Doanh nghiệp phải thích ứng với các rào cản kỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công Thương vừa quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Trung Quốc và chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm bàn ghế từ Malaysia. Đây là một trong những giải pháp Nhà nước chủ động bảo vệ doanh nghiệp (DN) trên chính thị trường nội địa.
Bộ Công Thương vừa quyết định áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Trung Quốc. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Bộ Công Thương vừa quyết định áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Trung Quốc. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cạnh tranh trên cả 2 thị trường

Quyết định của Bộ Công thương được đưa ra sau khi Cơ quan điều tra xác định có tồn tại hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra từ Trung Quốc và Malaysia. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước, nên mức thuế CBPG chính thức được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 21,4% đối với sản phẩm ghế và 35,2% đối với sản phẩm bàn. Thời hạn áp dụng biện pháp CBPG chính thức là 5 năm (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn).

Trước đó, Bộ Công Thương đã gia hạn thời hạn rà soát nhà xuất khẩu (XK) mới trong vụ việc áp dụng biện pháp CBPG giá đối với một số sản phẩm plastic có xuất xứ từ Malysia, Thái Lan và Trung Quốc thêm 3 tháng, do đã tác động bất lợi tới lượng hàng bán, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, công suất sản xuất của DN trong nước. Thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 14/5/2023. Hành động của Bộ Công Thương nhằm bảo vệ DN nội trên thị trường nội địa, cũng đồng thời cho thấy áp lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà” ngày càng lớn của DN Việt Nam.

Trên thị trường XK, áp lực cạnh tranh của DN Việt Nam cũng rất gay gắt. Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) thuộc Bộ Công Thương cho biết, tháng 1/2023 vừa qua, Cơ quan quản lý đường biên Canada thông báo khởi xướng điều tra CBPG và trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn có xuất xứ Việt Nam và Thổ Nhỹ Kỳ. Thép là một trong số những mặt hàng XK của Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài. Theo thống kê, từ năm 2004 đến tháng 7 năm 2022, thép XK Việt Nam phải đối diện 68 vụ việc PVTM từ nước ngoài.

Một loạt vụ việc liên quan đến hàng XK của Việt Nam sang Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu gần đây cũng cho thấy, một số quốc gia đang mở rộng phạm vi PVTM với các mặt hàng XK của Việt Nam. Nhiều mặt hàng đã và đang bị điều tra như gỗ dán cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, ghế bọc đệm, gạch men, tủ gỗ… Một số mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM như thép ống, gạch men, đá nhân tạo, pin năng lượng mặt trời, xe đạp điện…

Bảo vệ doanh nghiệp, cần giải pháp từ nhiều phía

Để bảo vệ DN nội địa, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ giữa năm 2022, Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện PVTM; hướng dẫn DN cách ứng phó với các vụ kiện. Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng XK trước rủi ro của các vụ kiện "chống lẩn tránh" biện pháp PVTM. Xuất bản các ấn phẩm thông tin đến doanh nghiệp về các hiệp định thương mại tự do (FTA), các thị trường XK, phổ biến về cơ hội và cách thức tận dụng các cơ hội từ cắt giảm thuế quan trong các FTA; đổi mới phương thức phổ biến theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin...

Về phía DN, để bảo vệ sản xuất trong nước trước các vụ việc PVTM, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, một mặt, ngành thép cần chủ động thu thập thông tin và hợp tác với cơ quan điều tra trong các vụ việc kháng kiện. Mặt khác, các DN cần chủ động tìm kiếm cơ hội trong chính các vụ việc PVTM.

“Từ các vụ việc kháng kiện, chúng tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm để có thể chủ động trong việc ứng phó với các vụ việc diễn ra. Chẳng hạn, DN cần thay đổi trong tổ chức quản lý, chuẩn hóa hệ thống thông tin để sẵn sàng phục vụ cho các vụ việc PVTM nhanh chóng, chính xác”, ông Đa chia sẻ.

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia vào nhiều FTA với quốc tế. Nền kinh tế mở cửa càng rộng, cơ hội cho DN nội càng lớn và áp lực cạnh tranh là khó tránh. Do đó, DN cần chủ động thực hiện các biện pháp để PVTM, bảo vệ năng lực sản xuất của mình.

Ông Phương cho rằng, các DN phải xây dựng đội ngũ chuyên gia hiểu biết pháp luật quốc tế để chủ động khởi kiện khi có nghi vấn hàng hóa NK tương tự vào nước ta bán phá giá. Với hàng XK, DN cần hiểu biết về thương mại quốc tế và đặc biệt, cần chuẩn mực chất lượng sản xuất hàng hóa của chính mình, để tránh nguy cơ bị khởi kiện. Nếu phải đối diện với vụ kiện, phải hợp tác với cơ quan quản lý để có giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về mình.

Chuyên đề