Doanh nghiệp nhà nước ưu tiên dùng hàng Việt như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông qua đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chú trọng đến việc sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được. Tuy nhiên, vẫn còn một số bên mời thầu đưa ra những yêu cầu gây khó cho hàng Việt.
Năm 2021, nhiều gói thầu lớn của ngành dầu khí đã được các nhà thầu trong nước tham gia đảm nhận, thực hiện tốt, tỷ lệ nội địa hóa ngày càng được nâng cao. Ảnh: Tiên Giang
Năm 2021, nhiều gói thầu lớn của ngành dầu khí đã được các nhà thầu trong nước tham gia đảm nhận, thực hiện tốt, tỷ lệ nội địa hóa ngày càng được nâng cao. Ảnh: Tiên Giang

Trọng dụng hàng trong nước

Một trong những điểm nhấn nổi bật trong các báo cáo công tác đấu thầu năm 2021 của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước là đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được trong hoạt động mua sắm, đầu tư.

Cụ thể, theo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), đơn vị đã tổ chức phổ biến kịp thời các hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các nội dung về công tác đấu thầu theo Chỉ thị số 13/CT-TTg; Chỉ thị số 47/CT-TTg; Chỉ thị số 03/CT-TTg để tăng cường sử dụng hàng trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu của Tổng công ty cũng như các đơn vị thành viên. Qua đó, các đơn vị thành viên đã cơ bản thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu đặt ra.

Về nội dung này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, năm 2021, rất nhiều gói thầu lớn của ngành dầu khí đã được các nhà thầu trong nước tham gia đảm nhận và thực hiện tốt, tỷ lệ nội địa hóa ngày càng được nâng cao.

Theo PVN, Tập đoàn đã có công văn gửi các đơn vị thành viên về sử dụng tối đa dịch vụ và hàng hóa trong nước sản xuất được, yêu cầu các đơn vị chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế đối với dự án có hệ thống công nghệ phức tạp và tính đồng bộ cao mà nhà thầu trong nước chưa sản xuất được. Các nội dung này đã được đơn vị thực hiện nghiêm túc và đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu của các dự án, gói thầu.

Là một đơn vị đầu tư, mua sắm lớn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định luôn nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg; Chỉ thị số 47/CT-TTg, tăng cường sử dụng hàng trong nước. Ngoài thực hiện chỉ đạo chung, EVN cũng ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác đấu thầu trong Tập đoàn. Do đó, công tác đấu thầu của EVN ngày càng hiệu quả, minh bạch, hạn chế các hành vi tiêu cực trong đấu thầu.

Báo cáo công tác đấu thầu của một số doanh nghiệp nhà nước khác như: Tổng công ty Lương thực miền Nam; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam… cũng cho biết, các doanh nghiệp này thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến công tác đấu thầu và phổ biến, quán triệt cho đơn vị phụ thuộc nhằm tăng cường sử dụng hàng Việt.

Kiến nghị chính sách nâng cao vị thế hàng Việt

Bên cạnh kết quả đạt được, trên thực tế vẫn còn tình trạng HSMT đưa ra điều kiện gây khó cho hàng Việt.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một nhà thầu chuyên sản xuất máy biến áp 110kV từng cung cấp nhiều sản phẩm cho EVN cũng như các tổng công ty điện lực trên cả nước cho biết, không thể cung cấp loại hàng hóa này cho một đơn vị điện lực lớn ở phía Bắc. Lý do là HSMT yêu cầu nhà sản xuất phải có 10 năm kinh nghiệm, trong khi EVN và nhiều tổng công ty điện lực khác chỉ yêu cầu nhà sản xuất máy biến áp có tối đa 5 năm kinh nghiệm. Theo nhà thầu, yêu cầu như vậy làm giảm tính cạnh tranh, hướng tới một hoặc một số nhà thầu nhất định, bởi hiện số lượng nhà sản xuất máy biến áp trong nước đáp ứng được yêu cầu này không nhiều.

Trước đó, một đơn vị sản xuất thang máy ở Việt Nam chia sẻ với Báo Đấu thầu, sản phẩm thang máy do doanh nghiệp sản xuất có chất lượng tốt, song vẫn rất khó vào các gói thầu/dự án do các đơn vị nhà nước mời thầu.

Nhằm tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu dự án sử dụng vốn nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những định hướng sửa đổi Luật Đấu thầu là thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho nhóm lao động yếu thế.

Theo đó, Luật sẽ bổ sung quy định cụ thể về cách tính ưu tiên, ưu đãi đối với các loại hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa thấp. Nhà thầu chào các loại hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa lớn sẽ được ưu tiên; các hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao sẽ được ưu tiên sử dụng để thay thế cho hàng nhập khẩu. Đồng thời, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục, năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu sản xuất, cung cấp các sản phẩm đổi mới sáng tạo, điều kiện mua sắm hàng hóa, dịch vụ là các sản phẩm đổi mới, sáng tạo…

Chuyên đề