Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên của một số ngân hàng tối đa ở mức 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn khoảng 7,5%/năm. Ảnh: Lê Tiên |
Từ góc độ khác, nhiều doanh nghiệp mong muốn được kéo dài thời hạn vay và mở rộng đối tượng được hưởng lãi suất thấp.
Từ cuối tháng 6 đến nay, lãi suất huy động có xu hướng giảm với mức giảm phổ biến từ 0,2% đến 1% tùy theo kỳ hạn. Ngân hàng Eximbank vừa công bố giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 0,2% - 1%/năm đối với khách hàng cá nhân và 0,2% - 1,2%/năm với khách hàng doanh nghiệp nhằm có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay, giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19. Từ đầu tháng 7 đến nay, Ngân hàng ACB đã giảm lãi suất huy động hai lần. Hiện lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại ACB chỉ còn 3,7%/năm, lãi suất các kỳ hạn dài cũng giảm mạnh, cao nhất chỉ còn 6,5%/năm thay vì 6,9%/năm như đầu tháng 7.
Kết quả khảo sát vừa được Vụ Dự báo, thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, hơn một nửa số ngân hàng tham gia khảo sát cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm trong quý III và cả năm 2020.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, xu hướng giảm lãi suất cho vay diễn ra mạnh hơn từ cuối tháng 6, đầu tháng 7. Trong đó có những ngân hàng đã lần thứ 3 cắt giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên của một số ngân hàng tối đa ở mức 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn khoảng 7,5%/năm.
Từ góc độ doanh nghiệp, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) cho biết, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội đã được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi vay với các khoản vay cũ hoặc vay mới với lãi suất giảm từ 1 - 2%/năm so với lãi suất trước đây.
“Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp có khả năng vay bởi hoạt động của họ vẫn đang gặp khó khăn. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, dược phẩm, tiêu dùng thiết yếu có khả năng vay vốn, còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đang hoạt động rất cầm chừng nên chưa tiếp cận vốn vay”, ông Quốc Anh thông tin thêm.
Còn theo ông Bùi Quang Ninh, Giám đốc Công ty CP Cao su Đắk Lắk, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã tích cực hỗ trợ Công ty. Cụ thể, Ngân hàng BIDV giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp xuống mức 8,2%/năm, món vay đến hạn trên 45 tỷ đã được cơ cấu lại, thời gian trả nợ kéo dài thêm 9 tháng; Ngân hàng VietinBank cho vay ưu đãi lãi suất 8%/năm. “Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid còn phức tạp và khó lường nên chúng tôi kiến nghị NHNN xem xét tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa”, ông Ninh nói.
Bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh chia sẻ, Công ty đã được các ngân hàng giảm lãi suất, lần đầu là 1%, lần 2 thêm 0,5% và kéo dài thêm thời gian. Tuy nhiên, các kịch bản kinh tế hiện chỉ tính đến tháng 9 và diễn biến dịch bệnh còn phức tạp nên Công ty kiến nghị tiếp tục được giảm thêm lãi suất và kéo dài thời gian đến 2021.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác mong NHNN sớm sửa Thông tư 01/2020/TT-NHNN về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp và giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cho biết các doanh nghiệp bất động sản rất mong NHNN sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 01 theo hướng đưa doanh nghiệp bất động sản vào nhóm đối tượng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Từ phía cơ quan quản lý, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô. NHNN sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020. Các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại.