Doanh nghiệp dược: Trợ lực tăng trưởng từ kênh ETC

(BĐT) - Quý II/2023 là thời điểm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành dược bắt đầu có hiệu lực, đem lại những kết quả tích cực, khắc phục tình trạng thiếu thuốc và tạo điều kiện cho kênh ETC (kênh đấu thầu thuốc qua các bệnh viện, sở y tế) phát triển trong dài hạn. Đây cũng là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp dược.
Nhiều doanh nghiệp dược ghi nhận doanh thu từ kênh ETC tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều doanh nghiệp dược ghi nhận doanh thu từ kênh ETC tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Tiên Giang

Động lực tăng trưởng mới

Trong nửa đầu năm 2023, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm đạt doanh thu thuần 919 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 199,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 37,4% và 59,1% so với nửa đầu năm 2022. Kênh ETC là động lực tăng trưởng chính của Imexpharm với mức tăng gần 118% và chiếm tỷ trọng 41,9% doanh thu. Còn kênh OTC (phân phối qua nhà thuốc) đạt mức tăng trưởng 8,4% và chiếm tỷ trọng 58,1% trong cơ cấu doanh thu.

Dù vẫn tăng trưởng trong nửa đầu năm nhưng tháng 5 và 6, kênh OTC của Imexpharm đã ghi nhận sự suy giảm do nhu cầu giảm, tác động từ khó khăn của kinh tế thế giới cũng như trong nước. Trong những tháng cuối năm 2023, Công ty dự kiến kênh OTC sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và tăng trưởng do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế.

Nửa đầu năm nay, Công ty CP Dược Hậu Giang cũng ghi nhận tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế tương ứng 11% và 27% so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 2.154 tỷ đồng và 624 tỷ đồng.

Theo SSI Research, động lực tăng trưởng của Dược Hậu Giang đến từ kênh ETC và xuất khẩu. Cả 2 mảng này đều được hỗ trợ từ cổ đông lớn, đối tác chiến lược Taisho. Trong năm 2022, doanh thu từ kênh ETC chỉ chiếm tỷ trọng 13% doanh thu hàng sản xuất của Công ty nhưng đã tăng trưởng 33% so với năm 2021 (đạt 508 tỷ đồng). Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng doanh thu kênh ETC lên 20%.

Doanh thu từ kênh ETC của Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng tăng trưởng tới 35%, đạt 357 tỷ đồng, còn kênh OTC chỉ tăng 7%. Nhờ vậy, Bidiphar ghi nhận doanh thu tăng trưởng 14% (đạt 796 tỷ đồng), lãi ròng tăng 27% (đạt 140 tỷ đồng).

Các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu kênh ETC cao như Công ty CP Dược phẩm Hà Tây, Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1… cũng ghi nhận kết quả khả quan. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, Dược phẩm Hà Tây đạt 1.046 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 29%) và 53,5 tỷ đồng lãi ròng (tăng trưởng 35%). Doanh thu của Dược phẩm Trung ương CPC1 tăng trưởng 3,3%, đạt 994 tỷ đồng, lãi ròng tăng trưởng 130%, đạt 50,2 tỷ đồng.

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, kênh OTC sẽ giảm tốc trong năm 2023 - 2024, trong khi kênh ETC sẽ tăng trưởng nhờ những chính sách mới được ban hành (Nghị quyết 80/2023/QH15, Nghị định 07/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 30/NQ-CP, Thông tư số 06/2023/TT-BYT, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và Luật Đấu thầu 2023), tạo điều kiện phát triển trong trung và dài hạn, tháo gỡ nhiều vướng mắc đối với bệnh viện và doanh nghiệp sản xuất trong việc đấu thầu, gia hạn số đăng ký thuốc và thiết bị y tế.

Sức hút với nhà đầu tư ngoại

Là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn, doanh nghiệp dược luôn có sức hút với nhà đầu tư ngoại. Rất nhiều doanh nghiệp dược phẩm quốc tế đã “rót” tiền để trở thành cổ đông chiến lược, cổ đông chi phối tại các doanh nghiệp dược phẩm nội địa trong những năm gần đây.

Đơn cử, Tập đoàn Dược phẩm STADA Arzneimittel AG (Đức) đã sở hữu gần 100% cổ phần tại Công ty CP Pymepharco; Abbott Laboratories (Chile) Holdco SpA sở hữu 51,68% cổ phần Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco; Taisho Pharmaceutical sở hữu 51% cổ phần Dược Hậu Giang; SK Investment Vina III Pte., Ltd và người có liên quan sở hữu 64,57% cổ phần Imexpharm. Còn tại Công ty CP Trapharco, 2 cổ đông ngoại Magbi Fund Limited và Super Delta Pte., Ltd đang sở hữu 40,1% cổ phần.

Mới đây, Hội đồng Quản trị Công ty CP Dược Hà Tây đã có nghị quyết thông qua phương án chào bán 8,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản ASKA Pharmaceutical Co., Ltd với giá 21.500 đồng/cổ phần. Nếu thương vụ này thành công, ASKA sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hà Tây từ 25,9% lên 32,56%.

Còn tại Bidiphar, kể từ đầu năm đến nay, quỹ ngoại đến từ Thụy Sĩ KWE Beteiligungen AG đã mua 115 nghìn cổ phiếu của Bidiphar để trở thành cổ đông lớn sở hữu 6,04% cổ phần. Được biết, Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra tháng 4/2023 của Bidiphar đã thông qua phương án chào bán 18,7 triệu cổ phiếu mới với giá chào bán tối thiểu 50.000 đồng/cổ phiếu cho tối đa 5 nhà đầu tư.

Với sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp Việt được chuyển giao công nghệ, con người, nguồn lực tài chính để đầu tư các nhà máy đạt chuẩn Japan GMP, GMP-EU, giúp sản phẩm của các doanh nghiệp dược tham gia sâu hơn trong lĩnh vực đấu thầu thuốc của bệnh viện, sở y tế và tăng tỷ suất lợi nhuận.

Theo số liệu của Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế, trong nửa đầu năm 2023, tổng giá trị trúng thầu thuốc đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị trúng thầu thuốc ngoại đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 75%.

VDSC đánh giá, tổng giá trị trúng thầu của thuốc ngoại trên kênh ETC vẫn đang đe dọa thị phần của thuốc nội địa. Dù vậy, các doanh nghiệp nội vẫn có những điểm tựa để tăng trưởng, cạnh tranh với thuốc ngoại nếu đảm bảo về khả năng điều trị, khả năng cung cấp và giá thuốc hợp lý dựa trên 2 luận điểm. Thứ nhất, Bộ Y tế ưu tiên sử dụng thuốc nội địa nhằm tiết kiệm cho Quỹ Bảo hiểm xã hội. Thứ hai, khoản 1 Điều 56 Luật Đấu thầu 2023 quy định ưu tiên chào thầu thuốc nội địa nếu có ít nhất 3 hãng trong nước sản xuất đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng và giá cả.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư