Doanh nghiệp chế biến chế tạo kỳ vọng khởi sắc hơn trong quý II/2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong quý I/2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Dự báo xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, 85,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý I/2021.
85,1% số doanh nghiệp chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý I/2021. Ảnh minh họa (nguồn internet)
85,1% số doanh nghiệp chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý I/2021. Ảnh minh họa (nguồn internet)

Động lực dẫn dắt kinh tế quý I/2021

Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố các số liệu liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

Trong đó, ngành công nghiệp quý I/2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thép cán tăng 54%; linh kiện điện thoại tăng 47,9%; ti vi các loại tăng 30,9%; ô tô tăng 17,7%; sữa bột tăng 17,5%; sơn hóa học tăng 15,5%; sắt, thép thô tăng 14,4%; bia các loại tăng 12,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 10,8%; khí hóa lỏng LPG tăng 9,1%; thức ăn cho gia súc tăng 6,7%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2021 tăng 24,1% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2020 tăng 2,8%). Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao gồm sản xuất kim loại tăng 28,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 18,7%; sản xuất đồ uống tăng 17,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2021 đạt 75,1% (cùng kỳ năm trước là 78,4%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 127,5%; dệt 121,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) 113,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 109,8%.

Thị trường trong nước có nhu cầu thấp và cạnh tranh cao

Trong quý I/2021, Tổng cục Thống kê cũng thực hiện điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Kết quả điều tra trong quý I/2021 cho thấy, có 29,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2021 tốt hơn quý IV/2020; 31,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự báo về quý II/2021 so với quý I/2021, có 51% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 86,2% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 84,8% và 83,4%.

Phân tích rõ về các con số, Tổng cục Thống kê cho biết, trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2021, có 55,1% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 49,5% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,1% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 27,1% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 27% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 26,6% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 23,9% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 21,3% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 21,2% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu.

Chuyên đề