Doanh nghiệp bớt khó, nhưng vẫn cần “tiếp sức”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ngành sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi với số lượng đơn đặt hàng gia tăng, song nhiều doanh nghiệp chỉ dám ký hợp đồng cầm chừng bởi lo ngại về những bất ổn từ bên ngoài cũng như nội tại nền kinh tế. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ, cộng đồng doanh nghiệp cần sự ổn định về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quý I/2024 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 9,54 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Quý I/2024 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 9,54 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Sau năm 2023 vô cùng khó khăn với kim ngạch xuất khẩu giảm đến gần 11% so với năm trước đó, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm 20 - 30%, thậm chí có trường hợp doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá đến 60% để có đơn hàng và giữ chân người lao động, ngành dệt may đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại trong quý I năm nay với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,54 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Chia sẻ tại tọa đàm “Nhận diện kinh tế quý I/2024: Mở lối cho kinh tế cả năm” ngày 22/4/2024, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Từ trạng thái việc gì cũng nhận, giá nào cũng ký của năm 2023, nay doanh nghiệp dệt may đã có thể lựa chọn nên ký hay không, ký nhiều hay ít. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, điều đáng ngại là nhiều doanh nghiệp e ngại và chỉ dám ký hợp đồng cầm chừng, vừa đủ làm hoặc dư một chút đến quý III năm nay để giữ chân người lao động, bởi vì họ vẫn e ngại khi giá hàng xuất khẩu ở mức thấp, chi phí logistics tăng, cộng thêm nhiều biến động của kinh tế thế giới khiến hiệu quả rất khó kiểm soát”.

Theo ông Cẩm, năm 2024, bên cạnh bài toán về thị trường, chi phí, doanh nghiệp dệt may còn phải đối mặt với yêu cầu ngày càng cao của các quốc gia nhập khẩu. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra chiến lược thời trang bền vững, dệt may bền vững với yêu cầu cao về thiết kế, tiêu dùng, xả thải, sử dụng điện năng. Các yếu tố này làm tăng chi phí sản xuất của ngành dệt may, trong khi đó, giá hàng không tăng và chi phí nhân công có xu hướng tăng. Một khó khăn khác của ngành dệt may là thiếu hụt nguồn nhân lực bởi nhiều lao động trong đợt dịch Covid-19 đã về quê và không quay trở lại hoặc dịch chuyển ngành nghề.

Từ những khó khăn thực tế, ông Cẩm kiến nghị Chính phủ bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ, cần xem xét đẩy mạnh thực hiện các gói hỗ trợ nhà ở xã hội để tạo điều kiện sống tốt hơn cho người lao động, xem xét chuyển gói 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% thành gói hỗ trợ chuyển đổi xanh, bởi đây là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Cần có giải pháp về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ chuyển đổi xanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. Ảnh: Tiên Giang

Cần có giải pháp về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ chuyển đổi xanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. Ảnh: Tiên Giang

Trong quý I năm nay, ngành gỗ cũng có tín hiệu khởi sắc trở lại với kim ngạch xuất khẩu tăng 23,6%. Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, sau năm 2023 u ám, ngành gỗ đã có xu hướng phục hồi song vẫn chưa chắc chắn. Ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt từ xu hướng điều tra của các thị trường xuất khẩu do lo ngại về tình trạng lẩn tránh thuế của hàng có xuất xứ từ nước khác gắn xuất xứ Việt Nam.

Không chỉ phải đối mặt với trở ngại từ môi trường bên ngoài, ông Hoài cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn từ các quy định, thủ tục phức tạp của cơ quan thuế và phòng cháy chữa cháy. Cụ thể, việc hoàn thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp gỗ thường rất chậm với quy định gỗ là sản phẩm rủi ro, phải thực hiện kiểm trước hoàn sau, các cán bộ thuế truy đến từng hộ nông dân trồng rừng, khiến nhiều doanh nghiệp bị “om” 10% thuế giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu, gây đọng vốn và rất tốn thời gian, chi phí. Về phòng cháy chữa cháy, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai đã xây dựng từ 20 năm trước, đến nay để đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy lại phải đầu tư rất lớn, trong khi địa phương có dự định chuyển nhà máy đi nơi khác. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về phòng cháy chữa cháy thì doanh nghiệp có thể chịu phạt 300 - 500 triệu đồng. Rơi vào tình thế sản xuất cũng khó mà dừng cũng khó, nên nhiều doanh nghiệp mệt mỏi và không muốn đầu tư.

“Chính phủ thường nêu rõ chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng cách thực thi của mỗi địa phương lại một kiểu. Do đó, bên cạnh hỗ trợ bằng chính sách tài khoá và tiền tệ, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp sức cho doanh nghiệp từ việc tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực thi các quy định về sản xuất, kinh doanh”, ông Hoài nhấn mạnh.

Từ góc độ khác, ông Nguyễn Vũ Michael, Giám đốc Boeing Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tích cực và cần tận dụng nhanh, hiệu quả. Tháng 11 năm ngoái, Việt Nam và Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tháng 3 năm nay, 50 doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác, kinh doanh. Nhiều chuyên gia của Mỹ cho rằng, mối quan hệ ngoại giao đang ở thời điểm tốt nhất và Việt Nam có 2 năm để kết nối đối tác. Vì vậy, phải nhanh chóng thực hiện các giải pháp để nắm bắt cơ hội này, đặc biệt là khối các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đây là lực lượng năng động và có khả năng hợp tác tốt với doanh nghiệp nước ngoài”.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn của doanh nghiệp, TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, cần đẩy mạnh hơn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Theo đó, có thể học tập cách làm của Hàn Quốc và Đài Loan để xem xét thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng các doanh nghiệp nhỏ và vừa quốc gia, thay cho quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, hoạt động theo cách bảo lãnh tín chấp dựa trên xếp hạng tín nhiệm, đánh giá của các hiệp hội doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia tiếp tục khuyến nghị kích cầu đầu tư công và đầu tư tư nhân. Theo đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện các chính sách miễn, giãn, hoãn thuế phí tương tự như năm 2023; chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro. Đồng thời, các thông tư về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cơ cấu lại nợ nên được sớm sửa đổi, góp phần tháo gỡ vướng mắc và tăng tính chủ động cho các tổ chức tín dụng và bên vay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2024 việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước.

Chuyên đề