Các doanh nghiệp bất động sản sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ |
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, một cách trực quan, bất động sản nằm trong nhóm ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp lớn nhất của dịch Covid-19. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trong giai đoạn phát triển đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhóm nhà đầu tư đã mua bất động sản thuộc phân khúc này sẽ khó thoát ra khỏi khoản đầu tư hiện tại, đồng thời gặp khó khăn trong việc chuyển hướng đầu tư hoặc cố gắng khai thác phòng hay các tiện ích nội khu.
Thị trường bất động sản cũng chứng kiến một bộ phận không nhỏ các khách thuê mặt bằng kinh doanh tại các tuyến phố trung tâm ở TP.HCM và Hà Nội buộc phải hủy hợp đồng thuê, sẵn sàng mất chi phí đặt cọc ban đầu. Đáng chú ý, nhóm các khách sạn nhỏ ở trung tâm thành phố (city hotel) cũng đang gồng mình chịu tác động tiêu cực khi người dân ngày một hạn chế việc di chuyển và sử dụng các dịch vụ công cộng...
"Với hai phân khúc thị trường trên, trong giai đoạn dịch bệnh và trong bất kỳ giai đoạn nào khác, khó khăn trọng tâm vẫn nằm chủ yếu ở các vấn đề pháp lý và thay đổi về quy mô để thích ứng trong xu hướng dịch chuyển nhanh sang mua sắm trực tuyến", ông Khương nhận định .
Với phân khúc nhà ở, hiện vẫn còn khá sớm để đánh giá tổng quan sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Khương cho hay, khi nhà ở là nhu cầu muôn thuở của người dân, thì dịch Covid-19 là giai đoạn thử thách nhất thời của thị trường. Khó khăn nếu có sẽ nằm ở động cơ ra quyết định mua nhà với mục đích để ở sẽ chậm lại, hoặc người mua nhà để bán sẽ thoái lui nhằm bảo toàn nguồn vốn.
Thị trường đang ghi nhận sự sụt giảm trong số lượng giao dịch và các chủ đầu tư hiện cũng đang cân nhắc liệu có nên mở bán thêm dự án mới trong tình hình hiện nay hay không. Một điều chắc chắn là nhu cầu nhà ở của khách hàng nước ngoài đã sụt giảm trong thời gian vừa rồi, nên chủ đầu tư cần thời gian để quan sát và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới thị trường.
Dịch bệnh Covid-19 có thể gây thiệt hại lớn gấp 3 - 4 lần so với dịch SARS, mức thiệt hại có thể lên tới 160 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo ông Khương, bằng việc sớm ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong dịch Covid-19, Chính phủ đang có những nỗ lực quyết liệt và thực tế, mà các doanh nghiệp bất động sản đặc biệt hưởng lợi.
Thứ nhất, doanh nghiệp bất động sản có thể kỳ vọng về việc cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí. Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây thực sự là giải pháp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.
Thứ hai, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển hạ tầng.
Thứ ba, việc đẩy mạnh truyền thông minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam là một điểm cộng rất lớn. Đây là một trong những chính sách ứng phó và ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả, khiến chúng ta có thể tự tin rằng khả năng phục hồi của thị trường Việt Nam là khá tốt so với các nước khác.
Ở góc nhìn vĩ mô, ông Khương chia sẻ: “Về bản chất, doanh nghiệp nói chung đặt trọng tâm vào vấn đề lợi nhuận. Song ở giai đoạn dịch Covid-19, doanh nghiệp trong từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác nhau sẽ có khó khăn riêng, mỗi khó khăn đòi hỏi cách giải quyết phù hợp thay vì đứng trên bình diện chung.
Thực tế này đòi hỏi nhu cầu giải quyết cho từng nhóm ngành phù hợp. Đơn cử, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần giải quyết vấn đề về thủ tục, tỷ giá hối đoái, mua bán ngoại tệ; doanh nghiệp về vận tải gặp các vấn đề phát sinh về giá xăng dầu, số lượng khách...
Việc giảm thuế, giãn thuế có thể tác động tích cực với các doanh nghiệp có lợi nhuận; nhưng không hiệu quả với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Biện pháp kích cầu kinh tế chỉ thực sự làm tốt vai trò của nó khi giúp doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng để đóng thuế và duy trì "sức đề kháng". Khi Covid-19 qua đi, "sức đề kháng" của doanh nghiệp để phát triển trở lại mới là câu chuyện chính.