DNNN “hết đường” vi phạm công bố thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công bố thông tin (CBTT) nhằm minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp (DN). Song không ít doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa tuân thủ nghiêm túc quy định này.
Nguyên nhân của tình trạng né tránh công bố thông tin là do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên
Nguyên nhân của tình trạng né tránh công bố thông tin là do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên

Chế tài xử lý vi phạm CBTT đã được quy định rõ tại Dự thảo Nghị định của Chính phủ về CBTT của DNNN; xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra lấy ý kiến.

Công bố thông tin vẫn mang tính hình thức

Theo Bộ KH&ĐT, sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, hoạt động CBTT của DNNN đã đạt được những kết quả nhất định và trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong quá trình hoạt động của các DNNN. Số lượng DNNN thực hiện CBTT lần lượt tăng theo từng năm, giúp dư luận và xã hội bước đầu có thể tiếp cận được các thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của DN.

Tuy vậy, trên thực tế có tình trạng một số DNNN thực hiện CBTT còn mang tính hình thức. Việc minh bạch thông tin tự nguyện chưa được thực hiện nghiêm túc. Trách nhiệm CBTT chưa được chú trọng. Các DNNN chưa phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ của các cá nhân, bộ phận liên quan thông qua quy chế nội bộ về CBTT.

Tại một số địa phương, hầu hết các DNNN chưa thực hiện CBTT, đặc biệt tại các công ty nông, lâm nghiệp, khai thác công trình thuỷ lợi, thuỷ nông. Ngoài ra, thời gian thực hiện CBTT còn chậm so với quy định. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện đầy đủ việc CBTT của các DNNN do mình làm đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP.

Báo cáo về tình hình CBTT của DNNN năm 2019 của Bộ KH&ĐT cho thấy, tính đến hết năm 2019, đã có 374/529 DNNN (chưa bao gồm các DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), chiếm 70,69% số DNNN gửi báo cáo đến KH&ĐT để thực hiện CBTT trên Cổng thông tin DN. Còn 155 DNNN chưa thực hiện CBTT, trong đó có một số DN lớn như: Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam… Hầu hết các DN chưa thực hiện công bố đầy đủ 9 loại báo cáo theo quy định, trung bình mỗi DN chỉ công bố khoảng 5 loại báo cáo. Chưa kể, nội dung phải CBTT như kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, báo cáo tài chính, báo cáo lương thưởng… vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN chưa thực sự hiệu quả dẫn đến hạn chế về minh bạch thông tin. Hơn nữa, các DNNN chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của CBTT. Một số DNNN có quy mô lớn cho rằng việc CBTT về chiến lược kinh doanh, kế hoạch đầu tư có thể gây mất lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh…

Xử lý nghiêm vi phạm

Điều 19 Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc CBTT của DNNN; xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN nhấn mạnh chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Cụ thể, đối với DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý DN theo quy định của Luật DN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN trong trường hợp vi phạm các quy định như: không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về CBTT; nội dung CBTT không trung thực theo quy định.

DN vi phạm các quy định về CBTT theo quy định tại Nghị định này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT. Trường hợp DN vi phạm các quy định về CBTT theo quy định tại Nghị định này dẫn đến việc cơ quan đại diện chủ sở hữu không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến tình hình hoạt động của DN lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu áp dụng hình thức kỷ luật từ cách chức đến buộc thôi việc người quản lý DN.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra các nội dung về CBTT của DNNN theo quy định; không thực hiện việc đăng tải công khai, kịp thời trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan về các thông tin công bố định kỳ và bất thường của DN do mình quản lý.

Trường hợp DN không thực hiện CBTT đầy đủ, đúng quy định theo Nghị định, chậm công bố thông tin đến 20 ngày làm việc, Bộ KH&ĐT thực hiện công khai tên DN trên Cổng thông tin DN và thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu biết để đôn đốc, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách DN không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ CBTT.

Góp ý về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nhấn mạnh, cần thiết phải có chế tài xử lý vi phạm như đối với các DN niêm yết hiện nay. Cùng với đó, cần có cơ chế chặt chẽ, hiệu quả giám sát hoạt động của DNNN, bởi đây là những DN nắm giữ khối tài sản lớn của Nhà nước.

Một chuyên gia khác đề xuất, nên chăng “nâng cấp” đưa chế tài xử lý vi phạm CBTT của DNNN vào trong luật? Trong đó, quy định rõ về trách nhiệm người đứng đầu DN, cơ quan chủ sở hữu, cơ quan CBTT. Nếu các đối tượng này không hoàn thành hoặc không CBTT chính xác, đầy đủ, kịp thời thì coi là không hoàn thành nhiệm vụ, có thể bị thay thế, cách chức…

Chuyên đề