“Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”

(BĐT) - Ngày 18/8/1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định nhân dân các nước thuộc địa có khả năng cách mạng to lớn và công cuộc giải phóng dân tộc ở thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực tự giải phóng
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định nhân dân các nước thuộc địa có khả năng cách mạng to lớn và công cuộc giải phóng dân tộc ở thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực tự giải phóng

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, thực hiện Lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi quân và dân cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa để giành chính quyền. Tư tưởng “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” của Hồ Chí Minh đã được quân và dân cả nước thực hiện thắng lợi trong việc đánh chiếm các công sở của địch, giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám với tinh thần tự lực cánh sinh quyết giành lại nền độc lập dân tộc. Tư tưởng ấy đã thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Người.

Từ việc lựa chọn sáng tạo đường lối cứu nước cho dân tộc

Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã có những cống hiến to lớn về việc nghiên cứu chủ nghĩa thực dân và vấn đề giải phóng dân tộc. Với các tác phẩm của mình, Mác và Ăng-ghen chưa đề cập đến vấn đề chống chủ nghĩa thực dân. Khi hai ông xây dựng học thuyết về đấu tranh cách mạng với nòng cốt là giai cấp vô sản vào thời điểm mà sự thống trị của châu Âu đối với thế giới mới bắt đầu, chủ nghĩa thực dân chưa phổ biến, lúc đó chỉ mới có sự đô hộ của đế quốc Anh ở Ấn Độ và đế quốc Pháp ở An-giê-ri. Đến với Lê-nin, Hồ Chí Minh học tập và tiếp thu những cống hiến to lớn của Người về nghiên cứu “Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” (năm 1917) và “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa (năm 1920). Vấn đề lớn mà Hồ Chí Minh luôn quan tâm và tìm lời giải đáp trong quá trình tìm đường cứu nước chính là vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Chính vì vậy, Người đã nghiên cứu sâu về chủ nghĩa thực dân và vấn đề giải phóng dân tộc. Khi Người viết tác phẩm “Bản án chủ nghĩa thực dân”, đã nhiều lần phát biểu ý kiến về vấn đề chủ nghĩa thực dân trên diễn đàn của Đảng Cộng sản Pháp và của Quốc tế Cộng sản, đã có nhiều bài viết về vấn đề thuộc địa đăng trên báo Le Paria. Luận điểm sáng tạo nhất của Hồ Chí Minh là cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Người luôn khẳng định nhân dân các nước thuộc địa có khả năng cách mạng to lớn và công cuộc giải phóng dân tộc ở thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực tự giải phóng. “Tự giải phóng” là nội dung xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người nói, làm thế nào để được giải phóng? Công cuộc giải phóng chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình. 

“Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” trong Cách mạng tháng Tám

Kế thừa truyền thống tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Hồ Chí Minh chủ trương trong công cuộc giải phóng dân tộc, phải “tự lực cánh sinh dựa vào sức mình là chính”, đem sức ta tự giải phóng cho ta; muốn người ta giúp cho trước hết phải tự giúp mình đã. Sức ta ở đây là sức mạnh của toàn dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân; của lòng dũng cảm, đức hy sinh và trí thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam; là vật chất, tinh thần quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược. Thực tiễn Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã minh chứng rõ luận điểm trên của Hồ Chí Minh. Nhân dân Việt Nam ta, khi thời cơ đến, đã chủ động đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta” giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc (nước Pháp), qua những cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các địa phương trong cả nước. 

... đến tinh thần “tự lực cánh sinh” trong kháng chiến

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, Hồ Chí Minh vẫn kiên định tư tưởng: đem sức ta giải phóng cho ta với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh. Bởi: “Độc lập của Việt Nam là nhờ lực lượng của Việt Nam. Bởi vì chúng tôi bao giờ cũng trông ở sức mình. Chúng tôi không sợ ai cả. Không nước nào có thể thống trị được chúng tôi”. Người chủ trương: Phải đánh giặc bằng sức của chính mình, không chờ đợi, không ỷ lại. Người giải thích, dựa vào sức mình tức là phải tự cấp, tự túc về mọi mặt vì ta bị bao vây bốn phía, chưa có sự giúp đỡ của các nước khác nên ta phải tự lực cánh sinh. Trong bối cảnh đó, Chính phủ kháng chiến và nhân dân phải tự cung tự cấp về cái ăn, cái mặc, những nhu cầu thiết yếu của cuộc kháng chiến, đặc biệt là vũ khí.

Ngày 15/9/1945, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh 34/SL thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng – đặt nền móng cho việc hình thành nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam – với nhiệm vụ thu thập, mua sắm và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí trang bị cho Quân đội. Đến cuối năm 1947, hệ thống xưởng quân giới, xưởng vũ khí dân quân, xưởng vũ khí Tổng liên đoàn… đã lên đến 200 xưởng đảm bảo cung cấp vũ khí cho bộ đội chiến đấu. Vì thế, năm 1949, khi trả lời câu hỏi của nhà báo nước ngoài: Các ngài lấy đâu ra khí giới để đánh giặc? Người đã nói: Khí giới do chúng tôi tự chế tạo, 3/4 chúng tôi lấy của người Pháp để đánh Pháp!

Nhưng tự lực cánh sinh không có nghĩa là tự cô lập mình, mà cần phải tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đồng thời cũng phải thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình. Sang năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân ta chuyển sang giai đoạn phản công, chúng ta bắt đầu nhận được viện trợ vũ khí, quân tư trang của các nước bạn, Người đã ý thức rất rõ vấn đề này trong “Bài nói chuyện tại Hội nghị chiến tranh du kích” (ngày 13/7/1952): “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. 

Ảnh: TTXVN

Chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chủ trương trên được thực hiện triệt để. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Theo Người, cần kết hợp quốc phòng với kinh tế. Kinh tế với quốc phòng là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau. Có tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội mới tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc. Ngược lại, củng cố an ninh quốc phòng sẽ tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế cũng là biểu hiện của phương châm kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh trước những kẻ thù có thực lực kinh tế, quân sự mạnh hơn ta.

Thực tế, sau khi miền Bắc được giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định: Bảo vệ ngay trong xây dựng và xây dựng phải biết tự vệ; kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. “Một là, chúng ta phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hòa bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, và làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà…

Hai là, tích cực tham gia sản xuất để góp phần xây dựng kinh tế, xây dựng và củng cố hậu phương”.

Phát triển kinh tế, một mặt nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời tạo ra cơ sở vật chất để tăng cường sức mạnh quốc phòng, đảm bảo hậu cần - kỹ thuật cho đất nước khi có chiến tranh. Kinh tế càng phát triển thì càng có điều kiện xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, lực lượng quốc phòng hùng hậu, tạo thế ổn định để phát triển kinh tế. Cần phải giải quyết tốt việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng. Phát triển kinh tế nhưng không lơi lỏng nhiệm vụ quốc phòng và củng cố quốc phòng không làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Ngược lại, mỗi bước phát triển của nền quốc phòng lại tăng cường khả năng xây dựng, bảo vệ kinh tế, bảo vệ Tổ quốc. 

Và đường lối đối ngoại độc lập tự chủ

Ngay từ những ngày đầu lập quốc (2/9/1945), Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng công tác đối ngoại, mở cửa ra thế giới. Người đã đích thân tiến hành những bước đầu tiên của công tác ngoại giao đa phương, khởi đầu tiến trình hội nhập quốc tế trong thời kỳ rất khó khăn này. Chủ trương “không lệ thuộc bất cứ nước nào” được thể hiện rất rõ ràng trong đường lối đối ngoại của Người. Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh đã giúp Người giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Liên Xô - Trung Quốc về vấn đề cách mạng Việt Nam trong thập niên 60, đảm bảo mối quan hệ cân bằng giữa Việt Nam - Liên Xô, Việt Nam - Trung Quốc trên cơ sở độc lập, tự chủ và ngăn chặn mọi âm mưu lợi dụng của đế quốc Mỹ. “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến ta. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”.

Tư tưởng “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” của Hồ Chí Minh đã thể hiện trên các phương diện về đường lối chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao của Việt Nam với điểm mấu chốt là tự lực cánh sinh. Ý thức độc lập, tự cường, tự lực cánh sinh trong tư tưởng của Người đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, tư tưởng trên của Người được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục kế thừa, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ Đổi mới và hội nhập.

Chuyên đề