Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết các cơ quan nhà nước các cấp đều được trang bị phần mềm quản lý văn bản, điều hành; lãnh đạo, công chức tại các cơ quan này cũng đã quan tâm và sử dụng thường xuyên phần mềm quản lý văn bản, điều hành khi xử lý công việc hàng ngày. Tuy nhiên, việc triển khai các phần mềm, quản lý văn bản điều hành này đang còn mang tính cục bộ, chưa có sự kết nối, chia sẻ trong giữa các cơ quan nhà nước với nhau dẫn đến hoạt động trao đổi (gửi, nhận) văn bản điện tử còn hạn chế, thủ công và nhiều bất cập. Do đó, Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử đã giao Văn phòng Chính phủ “chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản” nhằm thiết lập môi trường kết nối, liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử thông suốt từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Chính phủ đã nghiên cứu và xây dựng các giải pháp kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương thông qua các Trục kết nối, liên thông văn bản cấp quốc gia và Trục kết nối, liên thông văn bản cấp bộ, tỉnh. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã triển khai kết nối, liên thông với các bộ, ngành, địa phương qua 2 giai đoạn chính: Kết nối từ Văn phòng Chính phủ tới các điểm kết nối tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (kết nối 2 cấp) và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức kết nối trong nội bộ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.
Mặc dù Văn phòng Chính phủ đã xây dựng giải pháp kỹ thuật, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản, tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương vẫn còn chậm so với thời hạn được giao tại Nghị quyết 36a/NQ-CP (hoàn thành trước ngày 1/1/2016) do nhiều cơ quan có cách hiểu khác nhau hoặc không hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ kết nối, liên thông.
Do đó, việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt trong hoạt động gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước các cấp, đặc biệt là việc gửi, nhận các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giữa Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương là hết sức cần thiết.
Văn phòng Chính phủ đã dự thảo Quyết định về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước gồm 5 chương, 23 điều.
Các loại văn bản gửi, nhận dưới dạng điện tử
Theo dự thảo, các văn bản gửi, nhận trong phạm vi nội bộ cơ quan nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước với nhau gồm: 1- Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; 2- Văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; 3- Các loại văn bản cung cấp thông tin; lịch công tác cơ quan; các chương trình, kế hoạch của cơ quan và các đơn vị trực thuộc; giấy mời, phiếu gửi, phiếu chuyển; tài liệu phục vụ họp; văn bản để biết, để báo cáo; thông báo chung của cơ quan; các tài liệu cần gửi, nhận trong quá trình xử lý công việc; hồ sơ, tài liệu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục nội bộ giữa các cơ quan, tổ chức.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục cụ thể các văn bản được gửi, nhận dưới dạng điện tử trên hệ thống quản lý văn bản của bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp.