Đề xuất Nghị quyết 02 tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước bối cảnh kinh tế có nhiều yếu tố bất định, doanh nghiệp (DN) có nhiều khó khăn…, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương.
Những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng hơn, cụ thể hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn
Những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng hơn, cụ thể hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn

Nỗ lực cải cách chùng xuống

Nhìn lại tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 (NQ02) tại Hội nghị về nội dung này diễn ra mới đây, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận xét, ở mức độ nhất định, DN và người dân đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn, có thêm niềm tin vào môi trường kinh doanh an toàn và sự phục hồi của nền kinh tế.

Tuy vậy, từ giữa năm 2022, DN gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao. Nhiều DN phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động, số lượng DN tạm dừng hoạt động tăng… kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

DN rất cần trợ lực từ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng mức độ quan tâm của các bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng DN kỳ vọng. Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho DN mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của DN vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh.

Đánh giá kết quả thực hiện NQ02, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra, một số bất cập về môi trường kinh doanh vẫn còn tồn tại.

“Nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường…, là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho DN và dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh. DN vẫn đang chịu rất nhiều gánh nặng chi phí khác, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức…”, ông Cương liệt kê.

Đại diện Hiệp hội DN dịch vụ logistics cũng như Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho biết, các DN còn nhiều khó khăn; nhiều dự án đầu tư chậm trễ kéo dài nhưng chưa được tháo gỡ; thủ tục kiểm tra vẫn gây khó DN…

Coi doanh nghiệp là trung tâm thực hiện cải cách

Dự báo về triển vọng kinh doanh năm 2023, nhiều tổ chức nhận định, sẽ khó khăn và thách thức hơn. “Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng hơn, cụ thể hơn, có địa chỉ hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục ban hành NQ02 trong năm 2023 để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết này phải tiếp tục thể hiện thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với DN; đồng hành và đồng cảm với DN để vượt qua những thách thức đang đối mặt và có thể sẽ gặp phải trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh…

Để tiếp tục thực hiện NQ02 một cách có hiệu quả và trách nhiệm, tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục coi trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết; có cơ chế tạo động lực khuyến khích sáng tạo, đảm bảo an toàn để cán bộ, công chức yên tâm thực thi công vụ; các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và DN cần thực chất hơn…

Với các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng DN, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị cần chủ động, tích cực tham gia phản biện, đóng góp chính sách; chia sẻ và phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn, đề xuất các kiến nghị để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN…

Chuyên đề