Đề xuất cơ chế xã hội hóa mua vắc xin Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Diễn biến đại dịch Covid-19 trên toàn cầu ngày càng phức tạp, vắc xin được xem là vũ khí hiệu quả nhất để vượt qua đại dịch nên nhu cầu vắc xin đang “nóng”. Tuy nhiên, trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước là không đủ, mà rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, phân phối và tiêm chủng vắc xin nhằm hướng tới đạt miễn dịch cộng đồng. Vậy cần có cơ chế, chính sách gì để thúc đẩy xã hội hóa mua vắc xin?
Cần sự đồng hành của doanh nghiệp mới có thể đáp ứng được nhu cầu vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Minh Quyết
Cần sự đồng hành của doanh nghiệp mới có thể đáp ứng được nhu cầu vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Minh Quyết

Nhu cầu rất lớn

Theo Bộ Y tế, khả năng trong năm 2021, Việt Nam mới có được khoảng 68,9 triệu liều, bao gồm 38,9 triệu liều từ Chương trình Giải pháp tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 toàn cầu (COVAX Facility) tài trợ; 30 triệu liều vắc xin của Công ty CP Vắc xin Việt Nam (VNVC) đã ký hợp đồng mua của Tập đoàn AstraZeneca (AZ). Số lượng 38,9 triệu liều COVAX Facility hỗ trợ đã đáp ứng nhu cầu tiêm cho các đối tượng ưu tiên và miễn phí theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 là 19,4 triệu người (bao gồm cả tỷ lệ hao hụt).

Năm 2021, Việt Nam vẫn còn thiếu khoảng 81,1 triệu liều (chưa kể nhu cầu vắc xin dành cho đối tượng dưới 18 tuổi) so với chỉ tiêu Chính phủ giao (150 triệu liều vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên).

Một thách thức nữa là năng lực của hệ thống tiêm chủng mở rộng của Nhà nước còn hạn chế. Hiện hệ thống này chỉ có khả năng bảo quản vắc xin ở điều kiện nhiệt độ thông thường (từ 2 đến 8 độ C); phần lớn triển khai tiêm ở các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Trong khi đó, thời hạn sử dụng của vắc xin phòng Covid-19 lại rất ngắn, 6 tháng tính từ khi sản xuất. Khi về đến Việt Nam, thời hạn sử dụng thường chỉ còn 3 - 4 tháng, thậm chí lô vắc xin của COVAX mới nhận tháng 4/2021 chỉ còn hạn sử dụng 2 tháng.

Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước thì khó đáp ứng nhu cầu vắc xin hiện nay, đòi hỏi sự đồng hành của các doanh nghiệp, hệ thống y tế tư nhân thì mới có thể tăng tỷ lệ tiêm vắc xin, hướng tới đạt miễn dịch cộng đồng.

Đề xuất cơ chế mua trực tiếp, không qua đấu thầu

Thực tế, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn bố trí kinh phí để mua vắc xin sử dụng cho đơn vị mình và hỗ trợ một phần cho Chính phủ.

Để thúc đẩy xã hội hóa mua vắc xin, khuyến khích các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia cùng Nhà nước, Bộ Y tế vừa đề xuất với Chính phủ cần ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách xã hội hóa mua, nhập khẩu, tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo đó, Bộ này đề xuất Chính phủ cho phép các địa phương, tổ chức, đơn vị được mua trực tiếp của đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối được nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu chỉ định, mà không phải thực hiện đấu thầu. Lý do là vắc xin phòng Covid-19 lần đầu tiên được sản xuất, cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp và không có nhiều nhà cung cấp để lựa chọn, cạnh tranh nên có tính chất đặc thù, không thể thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của pháp luật về đấu thầu.

Đối với cơ chế, chính sách về giá, theo Dự thảo Nghị quyết của Bộ Y tế, các đơn vị tự tìm nguồn cung cấp, nhập khẩu, phân phối sẽ tự quyết định về giá vắc xin, giá tiêm chủng nhưng phải bảo đảm nguyên tắc lợi nhuận không quá 5%, sau khi trừ các chi phí thực hiện và nghĩa vụ thuế. Trường hợp nhà sản xuất yêu cầu vắc xin và sử dụng vắc xin theo nguyên tắc phi lợi nhuận thì giá vắc xin và giá dịch vụ tiêm chủng phải bảo đảm đúng cam kết với nhà sản xuất.

Các tổ chức, doanh nghiệp này phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện, gồm: có cam kết về tài chính và đủ năng lực nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, phân phối vắc xin; có bảo lãnh, bảo hiểm thực hiện các nghĩa vụ sẽ cam kết với nhà sản xuất vắc xin.

Hiện nay, một số nhà sản xuất vắc xin yêu cầu chỉ bán cho Chính phủ và phải ký các thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm cho nhà sản xuất và các bên liên quan như trách nhiệm về giao hàng không đúng số lượng, thời gian; trách nhiệm bồi thường, pháp lý… phát sinh từ vắc xin. Trường hợp có đơn vị nhập khẩu, phân phối tham gia và chịu trách nhiệm thanh toán, Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm về tài chính và các rủi ro liên quan nếu các đơn vị này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng. Về vấn đề này, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ chấp nhận rủi ro và cho phép cơ quan này thay mặt Chính phủ ký các thỏa thuận, hợp đồng có các điều khoản bảo đảm trách nhiệm về tài chính, miễn trừ trách nhiệm cho nhà sản xuất và các bên có liên quan.

Chuyên đề