Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Sau đúng 1 năm Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM có báo cáo gửi UBND Thành phố về việc xử lý hợp đồng đã ký với Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), khả năng dừng hợp đồng giữa CII và TP.HCM về triển khai Dự án BOT Cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2, giai đoạn 2) là rất cao. Lý do được Sở đưa ra là “bất khả kháng”, UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kết thúc hợp đồng này. Một lần nữa, Hợp đồng BOT số 856/HĐ-UBND được ký ngày 7/3/2018 giữa TP.HCM và CII đứng trước nguy cơ chấm dứt.
Theo UBND TP.HCM, Dự án BOT Cầu đường Bình Triệu 2 đã triển khai 20 năm. Tuy nhiên, kế hoạch thực hiện Dự án bị ảnh hưởng rất nhiều do việc thay đổi các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng và tài chính (kể cả việc thu phí hoàn vốn đầu tư). Do đó, để tránh các yếu tố bất lợi nếu tiếp tục triển khai Dự án, TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chấm dứt hợp đồng.
Được biết, Dự án được Chính phủ duyệt dự án khả thi từ năm 2000 với tổng mức đầu tư là 341 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2001, do Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Năm 2002, do UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh Dự án Mở rộng Quốc lộ 13 (từ ga Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, quận Thủ Đức) từ 32 m lên 53 m nên số vốn đầu tư cho Dự án đã tăng từ 341 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng. Số vốn này vượt quá khả năng của Cienco 5, nên sau khi xây dựng xong cầu Bình Triệu 2, nhà đầu tư này đã rút khỏi Dự án.
CII chính thức tham gia vào dự án này từ năm 2006 và trải qua nhiều thăng trầm. Đến thời điểm hiện tại, CII đã hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng 1 đơn nguyên cầu Ông Dầu (trên Quốc lộ 13), thiết kế - tổng dự toán công trình BOT cầu Bình Triệu 2 và thu xếp nguồn vốn để thực hiện Dự án (bao gồm việc ứng bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ cho Dự án).
Tổng chi phí đầu tư đã được kiểm toán là 223.657.893.698 đồng. Trong đó, chi phí đầu tư Tiểu dự án 2 là 129.803.863.259 đồng, chi phí đầu tư Tiểu dự án 3 và chi phí xây dựng Trạm thu phí đầu cầu Bình Triệu 1 là 93.854.130.430 đồng. CII đã hoàn thành việc đầu tư Phần 1 - giai đoạn 2 của Dự án, đã tổ chức thu phí để hoàn vốn đầu tư tại các trạm thu phí giao thông cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Triệu 2. Tuy nhiên, tháng 7/2015, TP.HCM đã tạm dừng cho CII thu phí để tổ chức nâng cấp hệ thống thu phí và duy tu kết cấu hạ tầng khu vực.
Thời điểm đó, TP.HCM phê duyệt điều chỉnh Dự án BOT Cầu Bình Triệu 2 giai đoạn 2 với tống vốn đầu tư là 2.595,738 tỷ đồng. Hợp đồng BOT giữa CII và TP.HCM ký kết sau khi Dự án được điều chỉnh. Dự án bắt đầu vướng mắc nghiêm trọng từ đây.
Cụ thể, theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tiếp tục triển khai Dự án BOT Cầu đường Bình Triệu 2 là không đúng. Theo đó, đây là dự án đầu tư trên các tuyến đường hiện hữu. Đồng thời, Dự án có vị trí trạm thu phí sử dụng đường bộ hiện hữu không đảm bảo công bằng cho người tham gia giao thông do các phương tiện không lưu thông trên đường Ung Văn Khiêm vẫn phải trả chi phí đi qua cầu Bình Triệu và ngược lại khi lưu thông qua đường Ung Văn Khiêm và nút giao thông Đài liệt sỹ mà không qua Trạm thì không phải trả phí (trường hợp dịch chuyển trạm về trong phạm vi Dự án không khả thi do không có mặt bằng trống đặt Trạm).
Đồng thời, Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 chưa quy định về việc chuyển đổi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. “Do Dự án trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức BOT, khi chuyển đổi hình thức đầu tư cần có chủ trương chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”, Văn bản của TP.HCM nêu rõ.
Từ đó, TP.HCM đề xuất với Thủ tướng: “Việc tổ chức thu giá để hoàn vốn đầu tư cho Dự án là khó thực hiện do quy định tại Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14. Để tránh chi phí lãi vay phát sinh của Dự án, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chấm dứt trước thời hạn Hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư và giao TP.HCM cân đối nguồn vốn ngân sách Thành phố để tiếp tục đầu tư Dự án theo quy định”.