Hợp đồng BOT Dự án Cầu, đường Bình Triệu 2 (phần 2, giai đoạn 2) đã ký với Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM vào năm 2018. Ảnh: Huyền Trang |
15 năm vẫn bất khả kháng toàn diện
Dự án Cầu, đường Bình Triệu 2 được Chính phủ duyệt dự án khả thi từ năm 2000 với tổng mức đầu tư là 341 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2001, do Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Năm 2002, do UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh Dự án Mở rộng Quốc lộ 13 (từ ga Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, quận Thủ Đức) từ 32m lên 53m nên số vốn đầu tư cho Dự án đã tăng từ 341 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng. Số vốn này vượt quá khả năng của Cienco 5, nên sau khi xây dựng xong cầu Bình Triệu 2, nhà đầu tư này đã rút khỏi Dự án.
CII chính thức tham gia vào dự án này từ năm 2006 và trải qua nhiều thăng trầm. Theo Sở GTVT TP.HCM, Dự án Cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2, giai đoạn 2) đã được ký hợp đồng BOT với CII vào năm 2018.
Theo Hợp đồng, các hạng mục trong Dự án bao gồm mở rộng đường Ung Văn Khiêm với quy mô 6 làn xe, xây dựng nút giao thông Đài liệt sĩ - Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh); xây dựng mới đường Chu Văn An để kết nối với nút giao thông và mở rộng đường nhánh (quận Bình Thạnh); xây dựng mới hai cầu Ông Dầu bên cạnh cầu cũ trên Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức). Tổng vốn đầu tư khoảng 2.293 tỉ đồng.
Khi hoàn thành, trạm thu phí sẽ được đặt tại cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Triệu 2 để thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn cho Dự án. Sau khi ký hợp đồng BOT, CII cho biết, đến thời điểm này đã hoàn thành 1 đơn nguyên cầu Ông Dầu (1 cầu mới), hoàn thành thiết kế dự toán công trình và thu xếp nguồn vốn để triển khai Dự án.
Tuy đã trải qua 15 năm kể từ khi khởi công Dự án đến nay, nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn chất chồng khiến Thành phố gần như bất lực và nhà đầu tư phải bỏ cuộc. Bởi, theo Sở GTVT TP.HCM, nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT đã ký sẽ trái với Nghị quyết 437 của Quốc hội ban hành năm 2017. Lý do được đưa ra là dự án đầu tư trên tuyến đường hiện hữu. Ngoài ra, vị trí đặt trạm BOT không đảm bảo công bằng cho người tham gia giao thông, bởi xe cộ không đi qua đường Ung Văn Khiêm vẫn phải trả phí khi đi qua cầu Bình Triệu. Ngược lại, xe cộ khi đi đường Ung Văn Khiêm và qua nút giao Đài liệt sĩ, không qua trạm sẽ không phải trả phí trong khi phương án dịch trạm vào phạm vi Dự án không khả thi vì không có mặt bằng trống.
Từ năm 2015, báo cáo với UBND TP.HCM về Dự án, Sở GTVT TP.HCM cho biết, trước mắt chưa đầu tư Tiểu dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, chưa đầu tư mở rộng đường Nguyễn Xí bởi kinh phí rất lớn cho bồi thường giải phóng mặt bằng. Tại thời điểm đó, ngân sách Thành phố chỉ bố trí được để xây dựng, mở rộng cầu Ông Dầu, Tiểu dự án Nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm, xây dựng nút giao thông Ngã năm Đài liệt sỹ giai đoạn 1, nâng cấp mở rộng đường Chu Văn An. Như vậy, việc đầu tư cầu, đường Bình Triệu 2 bị ách rất nhiều khâu khách quan, từ vốn, đồng bộ giao thông và quy hoạch.
Cần tính toán để nhà đầu tư không thiệt thòi
Cụ thể, khi Dự án bị Cienco 5 “bỏ rơi” giữa chừng, với quyết tâm thực hiện trọn vẹn Dự án, đầu năm 2006, CII được Thành phố lựa chọn làm nhà đầu tư mới của Dự án. Giai đoạn do CII thực hiện, để đảm bảo an toàn giao thông qua cầu Bình Triệu 1 đang bị xuống cấp, UBND Thành phố đã cho phép CII thực hiện đầu tư trước phần 1 của Dự án bằng hợp đồng BOT. Theo đó, CII đã hoàn thành việc đầu tư phần 1 giai đoạn 2 của Dự án, đã tổ chức thu phí để hoàn vốn đầu tư tại Trạm thu phí giao thông cầu Bình Triệu 2 (từ ngày 1/7/2009) và cầu Bình Triệu 1 (từ ngày 1/8/2013).
Năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM đã có văn bản gửi UBND Thành phố báo cáo về cơ chế triển khai Dự án BOT Cầu, đường Bình Triệu 2. Theo đó, Dự án bao gồm 5 tiểu dự án: Tiểu dự án 1 Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức; Tiểu dự án 2 Hoàn trả chi phí đầu tư toàn bộ các hạng mục mà Cienco 5 đã triển khai thực hiện trước đây và nâng cấp mở rộng các tuyến đường quanh Bến xe Miền Đông; Tiểu dự án 3 Sửa chữa, nâng cấp cầu Bình Triệu cũ; Tiểu dự án 4 Mở rộng đường Nguyễn Xí (từ cầu Đỏ đến nút giao thông ngã năm Đài Liệt sĩ và xây dựng nút giao thông ngã năm Đài Liệt sĩ, quận Bình Thạnh); Tiểu dự án 5 Nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm đoạn từ ngã năm Đài Liệt sĩ đến Tân Cảng, quận Bình Thạnh.
Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, vì nhiều lý do, trong đó có vướng mắc về tiền bồi thường nên nhà đầu tư đã không thể cùng lúc thực hiện 5 tiểu dự án. Sở KH&ĐT đã kiến nghị UBND Thành phố cho phép ứng một phần tiền bồi thường và thực hiện trước hạng mục cầu Ông Dầu trên Quốc lộ 13 để giải quyết tình trạng ùn tắc…