Đề xuất 8 nhóm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với DN sáng 8/8/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện 8 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị (ảnh chụp từ điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Đức Trung
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị (ảnh chụp từ điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Đức Trung

Doanh nghiệp đối diện với 8 nhóm khó khăn lớn

Thông tin về tình hình “sức khỏe” của DN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực DN. Các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Các số liệu đã chứng minh sức chống chịu của khu vực DN tiếp tục suy giảm. Số DN thành lập mới trong tháng 7 giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, số DN đăng ký thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020 (trung bình là 8,1%). Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, riêng TP.HCM chiếm 29,1% tổng số DN rút lui khỏi thị trường của cả nước; đã xuất hiện nhiều hơn những DN quy mô vừa và lớn rút lui khỏi thị trường.

Một điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương.

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho biết, thông qua các kênh trao đổi thông tin trực tiếp và gián tiếp với cộng đồng DN, đã nhận diện và tổng hợp 8 nhóm vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối diện hiện nay.

Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm, trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40 - 50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70 - 80%. Cùng với đó là tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn hàng hóa tại một số cảng biển quan trọng mà bản chất là do tình trạng đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh.

Thứ hai, doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Doanh thu sụt giảm dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng, khiến cho các DN rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn).

“Do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết các DN khó có thể xoay xở trả lãi vay ngân hàng đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Thứ ba, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5 - 10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2 - 4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch cũng như nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan như chi phí xét nghiệm, chi đầu tư trang thiết bị để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại DN, chi phí hỗ trợ giữ chân người lao động.

Thứ tư, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

Thứ năm, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý. Hậu quả là các DN bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi, cước vận chuyển tăng, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.

Thứ sáu, khó khăn về lao động. Để cầm cự trước dịch bệnh, nhiều DN phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho DN tìm kiếm nguồn lao động trở lại làm việc khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử…

Thứ bảy, khó khăn về chuyên gia. Các DN, chủ yếu là DN FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh, đặc biệt đối với những tập đoàn lớn vào Việt Nam nghiên cứu, quyết định dự án quy mô lớn và cấp mới/điều chỉnh giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Thứ tám, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước do triển khai của một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.

“Trong các kiến nghị, DN đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc; tính công bằng, minh bạch và thái độ phục vụ sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ khác vào lúc này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.

Đề xuất 8 nhóm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện 8 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn, trong đó có 4 nhóm giải pháp ngắn hạn và 4 nhóm giải pháp dài hạn.

Cụ thể, về nhóm giải pháp ngắn hạn, trước hết, Bộ đề xuất thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng Covid-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao.

Nghiên cứu cơ chế cho phép DN tự mua dụng cụ tự xét nghiệm để chủ động xét nghiệm; đẩy mạnh việc công nhận hộ chiếu vaccine với các nước; xem xét áp dụng chứng chỉ tiêm vaccine và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu, công khai thông tin đối với các đối tượng đã được tiêm phòng…

Hai là, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Tổ chức và thực hiện “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất; nghiên cứu đề xuất quy tắc vận tải an toàn phòng chống dịch Covid-19; ứng dụng triệt để công nghệ trong kiểm soát điều kiện đi lại cho các phương tiện và người lao động…

Ba là, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN với việc nghiên cứu sửa đổi các chính sách về phí công đoàn, phí bảo trì đường bộ, giá bán điện cho ngành du lịch về dài hạn; nghiên cứu đề xuất tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ khoanh nợ, tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ; giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới...

Bốn là, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia theo hướng hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả gói chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động giá trị khoảng 26 nghìn tỷ đồng; nghiên cứu đề xuất chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp/gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho DN FDI, phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới áp dụng thống nhất ở các bộ, ngành và địa phương đối với các chuyên gia vào Việt Nam vận hành sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với đối tượng đã được tiêm chủng, lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, giảm thời gian cách ly xuống mức thấp nhất.

Đối với nhóm chính sách dài hạn nhằm tạo nền tảng hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất 4 nhóm giải pháp chủ yếu.

Đầu tiên là xây dựng chính sách phát triển DN có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế; cần có chính sách để phát triển các DN tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt; phát triển công nghiệp ngành y tế; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp ưu tiên…

Hai là, nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên.

Ba là, thúc đẩy hỗ trợ DN chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số; các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng DN công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực DN nhà nước theo hướng nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DN nhà nước được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các loại hình DN khác. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất việc củng cố, phát triển một số tập đoàn, DN nhà nước quy mô lớn hoạt động hiệu quả, có vai trò dẫn dắt trong giai đoạn tới.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng đề xuất, Thủ tướng Chính phủ sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Về phía cộng đồng DN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi DN cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh…

“Với tất cả những chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng DN và doanh nhân, Việt Nam nhất định sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh và DN Việt Nam sẽ nhanh chóng thay đổi, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu và bứt phá, tạo lập vị thế mới trước những thách thức toàn cầu đầy biến động và khó lường hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Phát biểu trước Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chúng ta đang ở thời điểm hết sức khó khăn, khi mà cộng đồng DN và người dân đang hàng ngày phải đối mặt với những diễn biến rất phức tạp do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4.

“Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Hội nghị ngày hôm nay nhằm lắng nghe, chia sẻ, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho DN, doanh nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề