Để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại "Đối thoại tháng 7" thường niên về thị trường chứng khoán (TTCK) với chủ đề "Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức" do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức ngày 19/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện số lượng tài khoản nhà đầu tư trên thị trường gần 8 triệu tài khoản, nhưng nhìn về cơ cấu, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn. Đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của TTCK Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhận ra vấn đề này từ lâu, đã báo cáo Chính phủ và xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường giai đoạn tới là phát triển nhà đầu tư tổ chức.

Chia sẻ tại "Đối thoại tháng 7", ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Fiin Group cho biết, tính đến ngày 17/7/2024, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam (HOSE, HNX, UPCoM). Riêng trên HOSE thì tỷ lệ này là 17,3%, HNX là 5,4% và UPCoM là 3%. Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài lần lượt là 19,83%, 10,99% và 4,24%. Tỷ lệ cổ phiếu được tự do chuyển nhượng (free-float) trên TTCK Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính 45,5%, mà một trong những lý do chính là Nhà nước đang nắm sở hữu đến 26% cổ phiếu trên TTCK. Theo đó, cùng với tiến trình thoái vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp sắp tới, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.

Theo tính toán của FiinGroup, tổng tài sản đầu tư trên TTCK Việt Nam của 5 nhóm nhà đầu tư tổ chức (tại thời điểm cuối năm 2023) như sau: Nhóm quỹ chủ động trong và ngoài nước là 27,5 tỷ USD; Nhóm công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư bảo hiểm là 36,1 tỷ USD; Nhóm ngân hàng thương mại là 8,1 tỷ USD; Nhóm công ty chứng khoán là 9,3 tỷ USD; Nhóm bảo hiểm xã hội và quỹ hưu trí tư nhân là 49,4 tỷ USD.

Đồng tình quan điểm về dư địa cho nhà đầu tư tổ chức còn nhiều, nhưng ông Lê Thanh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, nhà đầu tư tổ chức trong hay ngoài nước tham gia mua bán cổ phần nhà nước nước không dễ. Họ rất muốn mua lại phần của Nhà nước và Nhà nước cũng muốn bán bớt cổ phần nắm giữ tại nhiều doanh nghiệp để tăng lượng cung hàng. Tuy nhiên, cách bán khó thu hút, do phải thực hiện đấu giá, công bố thông tin trước 20 ngày.

"Gần đây, SCIC tiếp cận một số quỹ đầu tư vùng Vịnh. Quan điểm của họ là thực hiện giao dịch thỏa thuận nhưng quy trình chúng ta lại là thực hiện đấu giá, không theo quy trình nước ngoài", ông Tuấn nêu ví dụ về trở ngại và cho rằng, để gỡ vướng cho quy trình bán vốn, cần thay đổi phương thức bán và một số nội dung chính sách.

Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam Dominic Scriven

Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam Dominic Scriven

Ở góc nhìn của một tổ chức đầu tư gắn bó và có 30 năm kinh nghiệm trên thị trường Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam cho biết, trong 4 năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 4 tỷ USD, trong đó, năm nay đã bán ròng hơn 2 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ được nhiệt huyết với Việt Nam. "Dường như câu chuyện về Việt Nam gần đây không có yếu tố mới, yếu tố thú vị để thu hút sự quan tâm của dòng vốn đầu tư tài chính quốc tế, trong khi nhiều thị trường khác họ có", ông Dominic Scriven chia sẻ.

Chia sẻ quan điểm của ông Dominic Scriven, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký chứng khoán cho rằng, rút vốn ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam là do không có nhiều cái mới trên thị trường, đặc biệt về hàng hóa. Sau nhiều năm, tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua vẫn chậm. Khâu chào bán ra công chúng cũng hạn chế, thiếu các doanh nghiệp, tập đoàn mới, "các món hàng cũ đã rất nhiều năm".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện, mở ra hoạt động cho các dạng quỹ đầu tư. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Bộ Tài chính được giao rà soát, đánh giá, báo cáo sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ hưu trí tự nguyện. "Chúng ta cần có quy định để khuyến khích, huy động được nguồn lực này vì còn dư địa rất lớn", ông Chi cho biết. Trong điều hành, Bộ Tài chính đặt trọng tâm là làm sao cởi bỏ những điều kiện chặt chẽ, để nhà đầu tư tổ chức tham gia thuận lợi hơn, để dòng tiền từ họ vào nhiều hơn trên TTCK.

"Đối thoại tháng 7" thường niên về thị trường chứng khoán với chủ đề "Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức" được Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức ngày 19/7

"Đối thoại tháng 7" thường niên về thị trường chứng khoán với chủ đề "Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức" được Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức ngày 19/7

Từ góc nhìn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bà Nguyễn Linh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, trong các quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hành động của NHNN đều đề cập đến mục tiêu thu hút nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Điều này cho thấy thu hút dòng vốn ngoại được xem là giải pháp quan trọng với hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.

Cũng theo bà Linh Phương, theo quy định hiện tại, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thể sở hữu 20% vốn điều lệ của ngân hàng và tổng sở hữu của khối ngoại không quá 30%. Vừa qua, NHNN đã dự thảo sửa đổi bổ sung quy định về vấn đề này và đang trình Thủ tướng xem xét. Trong đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của ngân hàng tối đa có thể tăng lên 49%. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội hợp tác đa dạng, để tham gia quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng tiến tới các chuẩn mực cao và bền vững hơn. Bên cạnh đó, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ để tỷ giá không biến động đáng kể, hỗ trợ thanh khoản thị trường, đồng thời sẽ áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo thị trường thông suốt, góp phần ổn định vĩ mô.

Chuyên đề