Để kiểm tra chuyên ngành thực sự hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cải cách kiểm tra chuyên ngành từ việc thực hiện Đề án cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để việc cải cách đạt kỳ vọng của doanh nghiệp và Chính phủ, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan.
Nhiều thủ tục về xuất nhập khẩu hàng hóa làm tăng chi phí và thời gian, tốn kém cho xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều thủ tục về xuất nhập khẩu hàng hóa làm tăng chi phí và thời gian, tốn kém cho xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ. Có hơn 1.926 dòng hàng đã cắt giảm, cắt bỏ 30/120 thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hiện nay còn 1.501 dòng hàng đang có nhiều thủ tục bị chồng chéo, các bộ đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, doanh nghiệp và người dân khi thực hiện thủ tục về xuất nhập khẩu hàng hóa còn chịu nhiều thủ tục, tăng chi phí và thời gian, tốn kém cho xã hội.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng hải quan là cơ quan đầu mối.

Liên quan nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Đề án. Tuy nhiên, việc giao cơ quan hải quan không có nghĩa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành không thực hiện mà là cùng phối hợp thực hiện.

Ông Vũ Lê Quân, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, với mô hình mới, khi doanh nghiệp lựa chọn cơ quan hải quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, thì cơ quan hải quan phối hợp với các tổ chức đánh giá sự phù hợp của hàng hóa để lấy mẫu, thực hiện kiểm nghiệm, xét nghiệm lô hàng. Sau đó, nếu kết quả phù hợp thì sẽ chuyển cho cơ quan hải quan để thực hiện thông quan. Tức là, doanh nghiệp không phải đi làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành ở các bộ, ngành rồi đem nộp ở cơ quan hải quan như hiện nay.

Nhận xét về việc cải cách kiểm tra chuyên ngành, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, đây là nội dung từng khiến nhiều doanh nghiệp phàn nàn nên sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và tổ chức kiểm tra chuyên ngành sẽ giảm thủ tục cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng nêu trường hợp từng xảy ra là có cùng 1 mặt hàng của 1 nhà sản xuất với cùng 1 model nhưng từng doanh nghiệp nhập khẩu lại phải đi làm thủ tục riêng. “Hy vọng là tới đây, khi thực hiện đề án này, doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành như vậy với sản phẩm đã từng được thực hiện bởi doanh nghiệp khác”, bà Thủy nói.

Đồng quan điểm, ông Vũ Lê Quân cho biết, bất cập này được khắc phục trong Dự thảo Đề án bởi hệ thống kiểm tra tự động cập nhật dữ liệu mới và sẽ được áp dụng với các trường hợp miễn kiểm tra hoặc giảm kiểm tra. Nhờ đó, doanh nghiệp không cần phải đi xin xác nhận như hiện nay.

Bà Thủy cho biết thêm, về lý thuyết là sẽ giảm đáng kể thủ tục hành chính, song trong một số trường hợp có tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu làm xong thủ tục kiểm tra chuyên ngành với bộ chuyên ngành, đã được xác nhận trên cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, có thể do trục trặc kỹ thuật mà cơ quan hải quan không nhìn thấy được kết quả đó và doanh nghiệp lại phải quay lại cơ quan kiểm tra chuyên ngành để xin bản xác nhận giấy. Do đó, việc thực hiện đề án này cần xem xét các trường hợp có thể phát sinh để tránh phiền toái cho doanh nghiệp.

Về nội dung này, ông Quân cho biết, Dự thảo Đề án nêu rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung để từng cơ quan thực hiện từng phần việc trước, trong và sau thông quan.

Chuyên đề