Số lượng dự án PPP áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi đã chiếm trên 40% trong năm 2017. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, số lượng dự án chỉ định thầu vẫn còn nhiều và cần giải pháp để tăng cường hơn nữa sự tham gia của nhà đầu tư, sự hấp dẫn của dự án PPP.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình lựa chọn nhà đầu tư năm 2017, tỷ lệ dự án PPP áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư là 58,5%. Tuy dự án đấu thầu rộng rãi đã trên 40%, nhưng con số chỉ định thầu vẫn lớn hơn về tỷ trọng và hơn rất nhiều về giá trị tuyệt đối do rất nhiều dự án lớn chỉ định thầu. Điều này làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Đây cũng là một điểm hạn chế có thể làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư PPP tại Việt Nam trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế.
Qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, nhiều dự án PPP dù tổ chức sơ tuyển rộng rãi, nhưng chỉ có một nhà đầu tư quan tâm và phải áp dụng hình thức chỉ định. Cụ thể, trong tổng số 69 dự án PPP đã và đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, có 38 dự án chỉ có 1 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển.
Để tăng cường đấu thầu rộng rãi, một trong những giải pháp là phải công khai, minh bạch thông tin dự án, tăng cường sự tiếp cận thông tin của nhà đầu tư. Và để công khai, minh bạch, thì việc áp dụng đấu thầu qua mạng để lựa chọn nhà đầu tư PPP sẽ là giải pháp tốt. Trong báo cáo mới đây gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đề xuất, nhà đầu tư cần phải nộp hồ sơ dự sơ tuyển (đối với dự án PPP), hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (lộ trình theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT).
Tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 26/6/2018, Chính phủ cũng đã yêu cầu việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu. Khuyến khích áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư qua hệ thống mạng đối với các dự án PPP nói chung, dự án BOT nói riêng.
Theo Bộ KH&ĐT, định hướng ứng dụng đấu thầu qua mạng đối với lựa chọn nhà đầu tư đã được quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP bổ sung quy định về việc nộp hồ sơ dự sơ tuyển thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo lộ trình do Bộ KH&ĐT hướng dẫn. Quy định này sẽ là nền tảng đầu tiên trong việc ứng dụng đấu thầu qua mạng đối với các quy trình lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP nói chung, BOT nói riêng.
Trong định hướng xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức PPP, Bộ KH&ĐT dự kiến sẽ thay đổi cách thức tổ chức thực thi để đẩy nhanh lộ trình áp dụng việc lựa chọn nhà đầu tư qua mạng. Các thông tin về dự án nằm ngoài giai đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, hợp đồng dự án, báo cáo giám sát tình hình thực hiện dự án... cũng cần phải được đồng bộ trên Hệ thống mạng.
Việc áp dụng đấu thầu qua mạng để lựa chọn nhà đầu tư PPP chắc chắn sẽ tăng tính minh bạch, cạnh tranh của quá trình đấu thầu, góp phần xây dựng môi trường đầu tư PPP minh bạch, cạnh tranh, hiện đại, củng cố niềm tin đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đấu thầu qua mạng cũng chưa đủ để đảm bảo cuộc thầu hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Theo các chuyên gia quốc tế, để nhà đầu tư quan tâm tham gia thì dự án đưa ra đấu thầu phải tốt, được chuẩn bị kỹ lưỡng, dự báo và chia sẻ rủi ro hợp lý... Nhiều quốc gia gần như không cho phép chỉ định thầu, khi chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm, yêu cầu phải xem xét lại báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bộ KH&ĐT cũng cho biết, Bộ đã đề xuất Thủ tướng một quy trình giám sát chặt chẽ hơn với dự án chỉ định thầu. Cụ thể, với dự án áp dụng chỉ định thầu và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, định kỳ hàng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm đánh giá kết quả lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở các nội dung về mục tiêu, lý do, điều kiện, tiến độ, phương án thực hiện khi tổng kết tình hình thực hiện công tác đấu thầu.