Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại Việt Nam - Campuchia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Campuchia 2022 diễn ra ngày 8/11/2022, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tiếp tục mở ra thêm nhiều cơ hội mới, tạo sung lực mới cho doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Campuchia 2022. Ảnh: Văn Chung
Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Campuchia 2022. Ảnh: Văn Chung

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hội đồng Phát triển Campuchia và Bộ Thương mại Campuchia tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng trong chuyến thăm của Thủ tướng và là hoạt động đầy ý nghĩa của “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022”, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại - một trong những trụ cột chính, ưu tiên trong hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 55 năm (1967 - 2022), hai nước Việt Nam và Campuchia đã không ngừng xây dựng, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó hợp tác đầu tư là một trong những lĩnh vực trụ cột được ưu tiên thúc đẩy và đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Campuchia là một trong các địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất của Việt Nam. Kể từ khi có dự án đầu tiên sang Campuchia vào năm 1999, đến nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công tại Campuchia. Kết quả đã có hơn 200 dự án đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia với tổng vốn đăng ký hơn 2,9 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hàng, sản xuất chế biến công nghiệp, y tế, thương mại, dịch vụ… Campuchia là địa bàn lớn thứ 2 trong số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam luôn duy trì vị trí hàng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia. Nhiều dự án hiện nay đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội Campuchia.

Ở chiều ngược lại, Campuchia hiện có 28 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt trên 70 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, vận tải kho bãi, thương mại. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các doanh nghiệp Campuchia luôn được các cơ quan chức năng của Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Về thương mại, theo Bộ Công Thương, hợp tác thương mại giữa hai nước thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc. Việt Nam hiện là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Năm 2021, tổng kinh ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt 9,54 tỷ USD (tăng 79,1% so với năm 2020), 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021) và nhiều khả năng sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD ngay trong năm 2022.

Cũng theo Bộ Công Thương, hai bên đã dần đạt mức cân bằng về xuất nhập khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đã tăng mạnh trong thời gian qua với những mặt hàng chủ lực như hạt điều, cao su,...

Diễn đàn mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước. Ảnh: Văn Chung

Diễn đàn mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước. Ảnh: Văn Chung

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung vào việc đánh giá kết quả đã đạt được, những hạn chế trong đầu tư - thương mại giữa Việt Nam và Campuchia. Doanh nghiệp hai nước tập trung trao đổi về khả năng hợp tác đầu tư một số dự án mới, quy mô lớn, có tính đột phá, lan tỏa; những bài học kinh nghiệm; và kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác đầu tư giữa hai nước. Các cơ quan chức năng hai nước đã lắng nghe, ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ để cùng tìm giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh có hiệu quả…

Để thúc đẩy hoạt động hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Bộ trưởng đề xuất một số nhóm giải pháp. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển các lĩnh vực hợp tác đầu tư hiệu quả như: nông lâm nghiệp, viễn thông, ngân hàng…, hai bên cần thúc đẩy hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như: sản xuất, chế biến các sản phẩm nông sản, lâm sản sạch, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân hai nước và xuất khẩu, mở rộng ra một số lĩnh vực dịch vụ có chất lượng cao như: du lịch, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Các cơ quan nhà nước của hai bên cần tiếp tục triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hai bên cần tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, ưu tiên đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, có tính kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước…

Đồng thời, Việt Nam và Campuchia cùng chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để phát triển. Tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động kết nối, xúc tiến và hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động có hiệu quả; làm cầu nối thường xuyên với các cơ quan liên quan của hai nước để ủng hộ, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng: "Với tư duy “hợp tác cùng có lợi”, tư duy kinh doanh mới và các giải pháp có tính đột phá, tôi tin tưởng rằng quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ truyền thống, tốt đẹp, hữu nghị, bền chặt giữa Việt Nam và Campuchia".

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã tham dự và phát biểu kết luận, chỉ đạo một số nội dung cốt lõi và gợi mở thông điệp về định hướng hợp tác đầu tư trong thời gian tới, tạo xung lực mới để các doanh nghiệp sớm nắm bắt được cơ hội, nhanh chóng hiện thực hóa các dự án tiềm năng trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.

Trên cơ sở chỉ đạo của hai Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương liên quan và doanh nghiệp hai nước sẽ lĩnh hội các nội dung chỉ đạo của hai Thủ tướng và ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để tổ chức triển khai thực hiện, nhất là ưu tiên xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu.

Chuyên đề