Đầu tư công tại Quảng Nam: Chậm đều vì lý do bất khả kháng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương năm 2023 tại Quảng Nam bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, báo cáo từ các chủ đầu tư đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam không nhắc đến năng lực giải ngân của chủ đầu tư hay trách nhiệm của nhà thầu, mà đều nêu lý do… bất khả kháng.
Dự án cầu Tây Giang do UBND huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) làm Chủ đầu tư là một trong những dự án chậm tiến độ. Ảnh: Hà Minh
Dự án cầu Tây Giang do UBND huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) làm Chủ đầu tư là một trong những dự án chậm tiến độ. Ảnh: Hà Minh

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách trung ương cấp phát cho địa phương này là 3.090,226 tỷ đồng. Đến hết niên độ (31/1/2024), giải ngân đạt 2.092,32 tỷ đồng, tương ứng 67,7% kế hoạch (số vốn chưa giải ngân được là 997,905 tỷ đồng).

Trong các dự án, Dự án tuyến vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam có tổng mức đầu tư 498 tỷ đồng, do UBND thị xã Điện Bàn làm Chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2022 - 2025. Trong năm 2023, Dự án được bố trí 79,175 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 24,403 tỷ đồng, đạt 34,6% kế hoạch do điều chỉnh quy mô và hướng tuyến. “Việc điều chỉnh Dự án phải lấy ý kiến thẩm tra, góp ý của các bộ, ngành và đơn vị liên quan mất nhiều thời gian nên tiến độ hoàn thiện phê duyệt điều chỉnh Dự án kéo dài (đến tháng 9/2023). Mặc dù Chủ đầu tư đã tích cực lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, tổ chức lựa chọn nhà thầu... nhưng việc triển khai Dự án vẫn bị trễ tiến độ so với dự kiến”, Chủ đầu tư lý giải và nhận định đây là lý do bất khả kháng.

Tương tự, Dự án cầu Tây Giang do UBND huyện Thăng Bình làm Chủ đầu tư, năm 2023 được giao tổng vốn 70 tỷ đồng, nhưng quá thời hạn mới giải ngân được 92%. Dù Dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân như: công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (đạt khoảng 60%)..., nhưng Chủ đầu tư báo cáo là trường hợp bất khả kháng do nguyên nhân khách quan không thể lường trước được.

Bên cạnh đó, Dự án Đầu tư ổn định đời sống và sản xuất người dân vùng tái định cư Thủy điện Sông Bung 4 do UBND huyện Nam Giang làm Chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2021 - 2024, tổng vốn được bố trí năm 2023 là 55 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 52% (tương đương 26,176 tỷ đồng). Huyện Nam Giang báo cáo lý do chậm giải ngân là mưa lũ diễn biến phức tạp và kéo dài, nhiều tuyến giao thông đến công trình bị sạt lở và ách tắc.

Đối với Dự án Mở rộng khu neo đậu tàu thuyền và kết hợp xây dựng cảng cá Hồng Triều, tháng 1/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất và được Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng xây dựng hạ tầng kỹ thuật cảng cá Hồng Triều (giai đoạn 2) thành cảng cá loại II. Kế hoạch vốn bố trí năm 2023 là 27,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 9/2023, trước tình trạng Dự án không thể giải ngân do vướng điều chỉnh vị trí xây dựng, tỉnh Quảng Nam đã có văn bản điều chuyển vốn sang dự án khác khả thi hơn.

Dự án Khu tái định cư di dời khẩn cấp vùng sạt lở các xã Quế Xuân 1, Quế Phú và Hương An do UBND huyện Quế Sơn làm Chủ đầu tư cũng chậm tiến độ do… bất khả kháng. Dự án này có tổng mức đầu tư 31,286 tỷ đồng, đến hết năm 2023 giải ngân được 23,735 tỷ đồng (75,9%). Nguyên nhân Chủ đầu tư đưa ra là việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn do vướng giải phóng mặt bằng và khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp.

Trước tình trạng chậm giải ngân vốn các dự án với lý do bất khả kháng này, theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương lại phải “xin” được kéo dài sang năm 2024 để tiếp tục giải ngân. Hiện số vốn 707,348 tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa kịp giải ngân đã được Quốc hội cho phép kéo dài và chuyển sang năm 2024. Với số vốn chưa giải ngân 117,39 tỷ đồng hỗ trợ theo lĩnh vực, ngành thuộc các dự án nêu trên, hiện UBND tỉnh Quảng Nam đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài sang năm 2024.

Năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần họp và quán triệt tinh thần xử lý người đứng đầu nếu giải ngân không đạt, thậm chí thanh tra công tác giải ngân đầu tư công, đề xuất xử lý. Dù vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thừa nhận, trong năm 2023, không có cá nhân, tập thể nào bị xử lý dù tiến độ giải ngân đầu tư công của Tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2023, Quảng Nam cũng bị hủy dự toán 173,165 tỷ đồng nguồn vốn ODA do hết thời gian giải ngân theo hiệp định vay.

Với năm 2024, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, các dự án do cấp huyện làm chủ đầu tư đến ngày 31/12/2024 không giải ngân hết nguồn vốn được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2024, phải nộp trả ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thì UBND cấp huyện có trách nhiệm bố trí nguồn vốn ngân sách huyện để thực hiện đối với phần vốn nộp trả.

Chuyên đề