Đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ: Cần nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng kết nối

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với tổng mức đầu tư 5,45 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng), TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP.HCM đánh giá, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là dự án rất lớn, cần chuẩn bị kỹ càng và quyết tâm cao mới có thể đưa vào khai thác từ năm 2027 như kỳ vọng của Chính phủ. Khối lượng công việc không chỉ đơn thuần là xây cảng, mà để phát huy hiệu quả của cảng trung chuyển quốc tế, có nhiều việc phải xử lý đồng thời như vấn đề quy hoạch, kết nối và phát triển cụm cảng biển.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nếu được thực hiện sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy, hình thành trung tâm tài chính TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nếu được thực hiện sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy, hình thành trung tâm tài chính TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương

Hướng tới nguồn hàng quốc tế

Cuối tuần qua, TP. HCM đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia để đánh giá toàn diện tính khả thi của Dự án sau khi Nhà thầu hoàn thành Gói thầu TV-01 Lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ (gọi tắt là Cảng Cần Giờ). Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Porcoast) - Nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng Cần Giờ cho biết, dự kiến diện tích bến cảng khoảng 571 ha, khoảng 7,2 km cầu cảng với tổng mức đầu tư 5,45 tỷ USD (khoảng 128.000 tỷ đồng) do nhà đầu tư tự thu xếp thực hiện.

Quá trình xây dựng Cảng Cần Giờ sẽ được phân kỳ thành 7 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027, hoàn thành xây dựng vào năm 2045. Tổng công suất hàng hoá thông qua Cảng dự kiến đạt 4,8 triệu Teu vào năm 2030 và đạt 16,9 triệu Teu sau khi Dự án hoạt động hết công suất vào khoảng năm 2047.

Cũng theo Nhà thầu tư vấn, Dự án hướng tới việc sử dụng bằng vận tải đường biển là chủ yếu. Cảng trung chuyển quốc tế có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy, hình thành trung tâm tài chính TP. HCM.

Chia sẻ với các chuyên gia, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường cho biết, khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép, nằm tại vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng và vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế có thể đáp ứng cho tàu container có trọng tải lớn hoạt động tuyến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. “TP. HCM hiện đang dồn nguồn lực để phát triển hạ tầng, đặc biệt các dự án trọng điểm hàng không, cảng kết nối đều đang trong giai đoạn thi công, mở rộng nhằm tăng khả năng cạnh tranh với khu vực. Việc triển khai Dự án Cảng Cần giờ sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa trong giai đoạn tới. Đặc biệt là sau năm 2030, khi cảng Cái Mép - Thị Vải được dự báo sẽ vượt công suất”, ông Cường nhận định.

Liên danh nhà đầu tư (gồm Tập đoàn MSC/TIL, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Công ty CP Cảng Sài Gòn) thì cho rằng, các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP. HCM, vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng. “Khu bến Cần Giờ được khai thác 80% lượng hàng trung chuyển đưa từ Singapore sang và 20% lượng hàng tại Việt Nam. Nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc… sẽ chiếm phần lớn lượng hàng thông qua Cảng”, VIMC dự báo.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển. Ảnh: NC st

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển. Ảnh: NC st

Cần giải bài toán hạ tầng kết nối

Đánh giá về Dự án Cảng Cần Giờ, các chuyên gia đều khẳng định, việc triển khai là cần thiết, nhưng xét từ quy mô vốn, phân kỳ đầu tư đến thực trạng hạ tầng kết nối giao thông tại TP.HCM cho thấy, còn rất nhiều việc phải làm. Một số ý kiến cho rằng, trước khi đầu tư xây dựng, nên thử nghiệm, phát triển Cảng Cần Giờ như là một sandbox với khung thể chế thí điểm, cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp. Lý do đưa ra đề xuất này là tại khu vực phía Nam, Cảng Cái Mép - Thị Vải đã vận hành trong một thời gian dài, có vị trí thuận lợi, được nhiều hãng tàu đầu tư, nhưng vẫn chưa được coi là cảng trung chuyển quốc tế.

Đại diện Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho biết, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dành nhiều ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối khu vực Cái Mép - Thị Vải. Tỉnh đã thành lập riêng Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải và hàng năm triển khai loạt dự án trọng điểm để đồng bộ mạng lưới giao thông kết nối vào Cảng. Trong khi đó, tại TP. HCM, hạ tầng kết nối với Cần Giờ còn rất kém và là vấn đề nhức nhối hiện nay. “Theo đó, nhu cầu cấp bách của TP.HCM chính là mở rộng, nâng cấp hệ thống đường, cầu kết nối với Cần Giờ trước khi triển khai xây dựng Cảng quy mô tỷ USD này”, lãnh đạo Hội Cầu đường cảng TP. HCM nói.

Quan sát từ thực tế cho thấy, mạng lưới giao thông kết nối vào Cần Giờ nói riêng, các khu vực cảng khác của TP. HCM đều đang xuống cấp, quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu. Quy hoạch các tuyến giao thông kết nối vận chuyển hàng hóa tại khu vực này cũng chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Chính kết nối giữa Cần Giờ và Trung tâm TP. HCM hiện vẫn đang là một dự án nhiều trở ngại và dang dở. Cụ thể, Dự án cầu Cần Giờ nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TP. HCM dài hơn 3,6 km với 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng theo phương thức PPP, hiện mới ở khâu… chuẩn bị thủ tục. Mọi phương tiện lưu thông từ TP. HCM sang Cần Giờ vẫn phải thông qua phà Bình Khánh.

Dù vị trí xây Cảng Cần Giờ rất thuận lợi, mở ra cơ hội lớn cho TP. HCM, nhưng các chuyên gia cho rằng, để dự án hiệu quả, TP. HCM cần xử lý tốt bài toán phát triển đồng bộ về hạ tầng kết nối, nếu không, sẽ chỉ hiệu quả trên… giấy tờ.

Chuyên đề