Dầu tiếp tục trượt giá vì nỗi lo kinh tế

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi dữ liệu xấu về kinh tế Mỹ gây lo ngại...
Một công nhân mỏ dầu ở Midland, Texas, Mỹ, tháng 12/2008 - Ảnh: Getty/CNBC.
Một công nhân mỏ dầu ở Midland, Texas, Mỹ, tháng 12/2008 - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi dữ liệu xấu về kinh tế Mỹ gây lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi các báo cáo cho thấy sản lượng khai thác dầu của các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới đi xuống trong quý 3.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,36 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 58,89 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,67 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 53,62 USD/thùng.

Trong quý 3 vừa qua, cả giá dầu Brent và WTI cùng giảm mạnh nhất từ đầu năm.

Báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm về mức 47,8 điểm. Chỉ số này tiếp tục giảm sâu hơn sau khi sụt mạnh trong tháng 8, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức dự báo 50,1 điểm mà giới phân tích đưa ra trước đó. Mức điểm dưới 50 cho thấy sự suy giảm của hoạt động sản xuất.

Dữ liệu trên làm dấy lên nỗi lo rằng thương chiến Mỹ-Trung đang thực sự đe dọa triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kéo dài hơn 1 năm qua, xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ dầu có thể tăng yếu đi.

"Đây là một con số đáng thất vọng, và đó là lý do vì sao giá dầu giảm dù đã tăng giá vào đầu phiên", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong tháng 9 giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm, còn 28,9 triệu thùng/ngày. Con số này này thấp hơn 750.000 thùng/ngày so với sản lượng của tháng 8 và là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Sản lượng dầu của hai nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới khác là Mỹ và Nga cũng giảm trong tháng 7 và tháng 9.

Trong đó, sản lượng dầu của Nga giảm còn 11,24 triệu thùng/ngày trong tháng 9, từ mức 11,29 triệu thùng/ngày trong tháng 8 - nguồn thạo tin cho hay. Tuy nhiên, mức sản lượng này vẫn lớn hơn hạn ngạch đặt ra trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mà Nga ký kết với OPEC.

Sản lượng dầu của Mỹ giảm 276.000 thùng/ngày trong tháng 7, còn 11,81 triệu thùng/ngày, theo số liệu được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Hai. Sản lượng dầu hàng tháng của Mỹ đạt đỉnh 12,12 triệu thùng/ngày trong tháng 4.

Giá dầu vẫn đang chịu áp lực giảm từ thông tin rằng Saudi Arabia đã khôi phục hoàn toàn sản lượng dầu bị mất trong vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu lửa của nước này hôm 14/9. Trong tháng 8, nước này khai thác 9,78 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Chuyên đề