Ảnh Internet |
Cụ thể, đầu phiên giao dịch 3/1, giá dầu Brent tăng 67 xu (0,86%) lên 78,45 USD/thùng, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 77 xu (1,02%) lên 75,98 USD/thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu (OPEC+) đã dần dần gỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục 10 triệu thùng/ngày, khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu vào tháng 3/2020 để chống lại tác động của đại dịch Covid-19 đến nhu cầu dầu. Kế hoạch hiện tại cho thấy, OPEC+ sẽ bám sát kế hoạch bổ sung nguồn cung 400.000 thùng/ngày vào tháng Hai trong cuộc họp sắp tới.
Theo ước tính từ Ủy ban Kỹ thuật hỗn hợp (JTC) của OPEC, các kho dự trữ dầu thương mại của các nước thuộc tổ chức OECD trong năm 2022 sẽ duy trì dưới mức trung bình 2015 - 2019 (24 triệu thùng) trong 3 quý đầu tiên trước khi tăng trên mức trung bình đó trong quý IV.
Các chuyên gia tại UBS, công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Thụy Sỹ, dự đoán giá dầu thô và sản phẩm dầu sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu dầu tăng cao hơn mức năm 2019 và tăng lên phạm vi 80 - 90 USD vào năm 2022.
Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò của Reuters với 35 nhà kinh tế và phân tích, giá dầu thô sẽ đạt trung bình 73,57 USD/thùng vào năm 2022, thấp hơn khoảng 2% so với mức 75,33 USD đồng thuận vào tháng 11/2021.