Tình trạng chỉ có 1 nhà thầu tham dự xảy ra ở nhiều gói thầu xây lắp đấu thầu qua mạng làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu. Ảnh: Tường Lâm |
Trong số các gói thầu xây lắp tổ chức đấu thầu qua mạng đã có kết quả lựa chọn nhà thầu trong vòng 2 tháng trở lại đây, đứng trong top đầu về quy mô là Gói thầu số 4 Thi công xây dựng công trình (bao gồm chi phí hạng mục chung), cung cấp, lắp đặt thiết bị và bảo hiểm công trình do UBND huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) huyện Hậu Lộc là bên mời thầu. Giá gói thầu này lên tới 86,77 tỷ đồng. Tổng công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Tuấn (địa chỉ tại Thanh Hóa) trúng thầu với giá trúng thầu là 86,72 tỷ đồng, giảm chưa đến 0,01% so với giá gói thầu.
Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án Khu dân cư mới phía Tây Bắc Quốc lộ 10, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Gói thầu số 4 đã được điều chỉnh 3 lần. Trong kế hoạch đăng lần đầu (13/6/2019), giá Gói thầu số 4 là 113,65 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước không qua mạng. Kế hoạch điều chỉnh đăng tải lần 2 (7/10/2019) giữ nguyên giá gói thầu, điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu sang đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng. Và đến lần đăng tải thứ 3 (ngày 10/10/2019) thì điều chỉnh giá gói thầu còn 86,77 tỷ đồng, giữ nguyên hình thức lựa chọn nhà thầu như lần 2.
Sau sự điều chỉnh này, ngày 11/10, thông báo mời thầu được đăng tải. Đến thời điểm đóng thầu (9h ngày 1/11/2019), chỉ có Nhà thầu Minh Tuấn nộp hồ sơ dự thầu. Trong cuộc đua không đối thủ, Minh Tuấn đã dễ dàng trúng gói thầu này dù đưa ra giá dự thầu khá sát giá gói thầu.
Ngoài gói thầu này, trong vòng 1 tháng qua, 3 gói thầu xây lắp khá lớn khác tại Thanh Hóa lần lượt do Ban QLDA giao thông III Thanh Hóa, Ban QLDA ĐTXD huyện Đông Sơn, UBND phường Đông Thọ là bên mời thầu với giá gói thầu lần lượt là 21,29 tỷ đồng, 48,83 tỷ đồng, 23,48 tỷ đồng được tổ chức đấu thầu qua mạng. Cả 3 gói đều chỉ có 1 nhà thầu tham dự và sau đó trúng thầu. Giá trị giảm giá qua đấu thầu đều ở mức dưới 1% so với giá gói thầu. Nhà thầu Minh Tuấn trúng 2 trong 3 gói thầu này.
Chung tình trạng như 4 gói thầu nêu trên của tỉnh Thanh Hóa, tại các địa phương khác, nhiều gói thầu xây lắp quy mô trên 20 tỷ đồng đấu thầu qua mạng cũng chỉ có 1 nhà thầu tham dự. Có thể kể đến Gói thầu số 5 Thi công xây dựng các hạng mục còn lại (không gồm hạng mục phòng cháy chữa cháy) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh là chủ đầu tư, giá gói thầu là 61,75 tỷ đồng, Công ty TNHH Tu bổ tôn tạo và Xây dựng Duy Linh trúng thầu với giá 60,2 tỷ đồng. Hay Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Sửa chữa nền, mặt đường và công trình đoạn Km238 - Km256, Quốc lộ 4, tỉnh Lào Cai do Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai là chủ đầu tư, giá gói thầu là 32,9 tỷ đồng, Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 trúng thầu; Gói thầu Thi công xây dựng đoạn Km13+720 - Km14+712 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An là chủ đầu tư, giá gói thầu là 50,8 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 674 trúng thầu; Gói thầu Thi công xây dựng công trình do Sở Giao thông vận tải Điện Biên là chủ đầu tư, giá gói thầu là 40,48 tỷ đồng, Công ty TNHH Hoàng Ánh tỉnh Điện Biên trúng thầu…
Tình trạng chỉ có 1 nhà thầu tham dự xảy ra ở nhiều gói thầu xây lắp đấu thầu qua mạng làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo, đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham gia, cần thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu.