Đấu thầu qua mạng: Công khai nhưng phải minh bạch

(BĐT) - Cùng với chủ trương của Nhà nước về tăng cường đấu thầu qua mạng (ĐTQM), từ đầu năm 2020 trở lại đây, số lượng gói thầu được ĐTQM tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nhà thầu, có không ít gói thầu công khai “cài cắm” tiêu chí hạn chế nhà thầu, vẫn còn chuyện mập mờ thông tin và mời thầu một đằng, chọn nhà thầu một nẻo.
Không ít bên mời thầu vẫn cố tình “cài cắm” tiêu chí nhằm hạn chế nhà thầu tham dự. Ảnh: Tiên Giang
Không ít bên mời thầu vẫn cố tình “cài cắm” tiêu chí nhằm hạn chế nhà thầu tham dự. Ảnh: Tiên Giang

Đơn cử, ở một số gói thầu tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình được ĐTQM, hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra yêu cầu nhà thầu phải khảo sát công trình (kèm theo hình ảnh minh họa, diễn giải chi tiết mô tả công trình và kèm giấy xác nhận của chủ đầu tư là đã liên hệ khảo sát hiện trường). Tuy nhiên, khi nhà thầu liên hệ với chủ đầu tư để được đi khảo sát hiện trường thực hiện gói thầu thì chủ đầu tư thường xuyên lảng tránh, gây khó dễ, không tạo điều kiện cho nhà thầu đi thực địa để làm hồ sơ dự thầu (HSDT). Khi tiến hành chấm thầu thì dùng cách chấm điểm phương pháp luận, đánh giá chung chung là nhà thầu không hiểu biết về gói thầu, trong khi nhà thầu đã đi nghiên cứu kỹ hiện trường để đánh giá thực địa.

Còn tại Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông đoạn từ cống Ông Lập đến cổng Khu du lịch Pháp, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, HSMT công khai “cài cắm” tiêu chí để hạn chế nhà thầu tham dự khi đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp các vật tư, vật liệu chính (đá dăm các loại và đất cấp phối đồi) và đơn vị cung cấp phải có giấy phép khai thác được cơ quan có thẩm quyền cấp phép (còn hiệu lực) trên địa bàn huyện Núi Thành. Nếu không có các hợp đồng nguyên tắc này thì HSDT bị đánh giá là không đạt và bị loại. Trong khi đó, 2 “chủ mỏ” có giấy phép khai thác đất đá ở huyện Núi Thành thì né tránh và không ký hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu.

Thực tế ĐTQM cũng xảy ra câu chuyện HSMT đưa ra yêu cầu khác với thực tế lựa chọn nhà thầu. Tiêu biểu là Gói thầu số 01 Cung cấp và lắp đặt màn hình Led hội trường lớn tại một chủ đầu tư/bên mời thầu (BMT). HSMT yêu cầu nhà thầu phải kê khai số liệu tài chính theo báo cáo tài chính từ năm 2016 đến năm 2018 và doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu là 877 triệu đồng, nhưng BMT lại lựa chọn Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Led Ánh Dương trúng thầu, trong khi nhà thầu này mới thành lập từ ngày 24/1/2018 và là nhà thầu có giá dự thầu cao nhất trong 3 nhà thầu nộp HSDT. Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu của BMT cho biết, yêu cầu này của HSMT chỉ áp dụng đối với những nhà thầu có thời gian hoạt động từ 3 năm trở lên. Còn với nhà thầu mới thành lập như Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Led Ánh Dương thì không phải áp dụng yêu cầu này.

TS. Nguyễn Việt Hùng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc đẩy mạnh ĐTQM là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc công khai, minh bạch công tác đấu thầu. Nhờ ĐTQM, HSMT và các thông tin đấu thầu được công khai, mở rộng cơ hội tiếp cận đối với nhà thầu. Tuy nhiên, việc công khai thông tin đấu thầu cần đi liền với việc minh bạch trong thực hiện và lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc và giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng để các gói thầu được ĐTQM đem lại công bằng và minh bạch cho công tác đấu thầu, tạo niềm tin và đảm bảo lợi ích chính đáng cho nhà thầu, góp phần tăng hiệu quả đầu tư và lợi ích kinh tế cho đất nước.

Chuyên đề