Nhiều địa phương lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý chất thải. Ảnh: Á Châu |
2 tháng trúng 2 dự án nghìn tỷ
Nhà máy Xử lý rác thải TP. Bắc Giang được xây dựng tại phường Đa Mai, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP (hợp đồng BOO). Giá dịch vụ là 385.000 đồng/tấn rác thải sinh hoạt, đã bao gồm thuế VAT.
Theo Quyết định số 375/QĐ-UBND phê duyệt Bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư Dự án, Nhà máy có công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Nguồn nguyên liệu đầu vào là rác thải sinh hoạt không phân loại, áp dụng công nghệ xử lý rác kết hợp phát điện với tuabin phát điện công suất tối thiểu 9 MW. Tỷ lệ chôn lấp còn lại sau xử lý 5%.
Hồ sơ mời thầu (HSMT) Dự án phát hành từ ngày 27/4/2018 đến 27/6/2018. Ngày 22/6, Bên mời thầu thông báo gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 13/7/2018. Theo tìm hiểu, Everbright là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) trong số 7 nhà đầu tư đã mua HSMT.
Everbright có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc, là nhà đầu tư không còn xa lạ trong lĩnh vực xử lý rác thải tại Việt Nam.
Tháng 10 vừa qua, Everbright đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt là nhà đầu tư Dự án Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi đa cấp – phát điện, đầu vào là rác sinh hoạt chưa qua phân loại, giá dịch vụ 395.000 đồng/tấn rác thải sinh hoạt. Dự án này lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu hạn chế, với danh sách ngắn gồm 4 nhà đầu tư: Công ty China Everbright International Limited, Công ty Hitachi Zoén Corporation, Công ty China ENFI Engineering Corporation, Công ty Keppel Seghers Pte. Ltd.. Sau đó, Everbright là nhà đầu tư duy nhất nộp HSDT.
Trước đó, Everbright được lựa chọn là nhà đầu tư Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn phát điện tại Cần Thơ 1.050 tỷ đồng.
Như vậy, với 3 dự án nêu trên, công nghệ đốt rác kết hợp phát điện của Everbright đã hiện diện ở cả 3 miền đất nước.
Nên đấu thầu theo tiêu chuẩn đầu ra
Cả hai dự án nhà máy xử lý rác tại Bắc Giang và Thừa Thiên Huế đều chỉ có duy nhất Everbright nộp HSDT, dù cũng có nhiều nhà đầu tư khác quan tâm. Theo tìm hiểu, HSMT của cả 2 dự án trên đều quy định sẵn công nghệ áp dụng cho nhà máy.
Trong khi đó, hàng năm, cả nước phải tiếp nhận một khối lượng rác thải rắn lên tới trên 12 triệu tấn. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 9%/năm, tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Việc đầu tư các nhà máy xử lý chất thải theo các công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường là rất cần thiết, cũng là cơ hội cho rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, nhiều địa phương đang tiếp nhận hàng chục đơn xin đầu tư của các nhà đầu tư từ nhiều nước khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều địa phương lúng túng chưa biết phải tổ chức đấu thầu lựa chọn thế nào. Công nghệ chạy tốt ở nước họ, nhưng khi xử lý rác không phân loại đầu nguồn của Việt Nam thì đều thất bại.
Theo ông Đông, để thu hút nhiều hơn nhà đầu tư tham gia, cũng như tạo cơ hội cho những công nghệ mới, các dự án PPP trong lĩnh vực xử lý rác thải nên thay đổi tiêu chí đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng dựa trên tiêu chuẩn đầu ra. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng một bộ quy chuẩn quốc gia về phương pháp xử lý rác. Qua đó, cho phép các nhà đầu tư với các công nghệ khác nhau được tham gia đấu thầu cạnh tranh, có thể chạy thử trên nền rác thực tế của Việt Nam. Các thông số đầu ra đo bằng máy sẽ giúp chúng ta chọn được nhà đầu tư thích hợp. Công nghệ nào vượt qua tiêu chuẩn thì được chấp nhận, nếu có hai, ba công nghệ đều vượt qua tiêu chuẩn thì xét đến hiệu quả kinh tế. Nhà đầu tư nào mang lại được nhiều sản phẩm mới, giá trị kinh tế cao hơn, điện lên lưới nhiều hơn, ít xả khí thải ra hơn thì đơn vị đó được chọn.