Đấu thầu gạo dự trữ quốc gia tại Đông Nam Bộ: Doanh nghiệp khốn đốn vì bị “mắc kẹt” 6.000 tấn gạo trúng thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xung đột trong quan điểm đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) giữa Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) và Cục DTNN Đông Nam Bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 6.000 tấn gạo dự trữ năm 2022 đã hoàn thành nhập kho từ ngày 6/5/2022 bị “mắc kẹt”. Trong khi 4 doanh nghiệp khốn đốn vì 15 tháng qua không được thanh toán thì một mối nguy khác đang lớn dần do thời hạn bảo quản gạo dự trữ quốc gia sắp hết, “số phận” của 6.000 tấn gạo chưa biết sẽ đi đâu, về đâu…
Nhà thầu đã hoàn thành nhập gạo vào kho, số lượng và chất lượng gạo đã được kiểm định thì không có lý do gì để trì hoãn việc thanh toán cho nhà thầu. Ảnh minh họa: Anh Vũ
Nhà thầu đã hoàn thành nhập gạo vào kho, số lượng và chất lượng gạo đã được kiểm định thì không có lý do gì để trì hoãn việc thanh toán cho nhà thầu. Ảnh minh họa: Anh Vũ

Kỳ 2: Số phận 6.000 tấn gạo dự trữ quốc gia sẽ về đâu?

Ngày 21 và 22/8/2023, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang và Công ty TNHH Kim Hằng tiếp tục có văn bản đề nghị Tổng cục DTNN và Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ thanh toán 26,88 tỷ đồng tiền nhập gạo vào kho dự trữ quốc gia năm 2022. Bên cạnh nỗi sốt ruột của nhà thầu, còn một nỗi xót xa khác khi 6.000 tấn gạo đã “bất động” quá 15 tháng, sắp chạm ngưỡng tối đa lưu kho theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia…

Trong công văn gửi Tổng cục DTNN và Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ ngày 21/8/2023, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang tiếp tục đề nghị 2 cơ quan khẩn trương thanh toán 21,1745 tỷ đồng tiền nhập gạo vào kho dự trữ quốc gia năm 2022 còn nợ nhà thầu. Nhà thầu đề nghị Tổng cục DTNN sớm cấp nguồn để Cục DTNN Đông Nam Bộ có nguồn thanh toán và cam kết không đòi thêm tiền lãi ngoài giá trị tại các hợp đồng đã ký.

Công văn của Công ty TNHH Kim Hằng thì đề nghị, Tổng cục DTNN và Cục DTNN Đông Nam Bộ thanh toán số tiền nợ mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022 là 4,914 tỷ đồng. Nhà thầu này cũng cam kết không đòi thêm tiền lãi ngoài giá trị hợp đồng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu “cùng cảnh ngộ” cho biết, mẫu hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia ở các Cục DTNN khu vực đều không có thời gian thanh toán cụ thể cho nhà thầu nên khi bị thanh toán chậm, nhà thầu chỉ biết kêu cứu chứ không thể đòi hỏi một thời hạn trả cụ thể được. “Vẫn biết hợp đồng không chặt chẽ và theo hướng có lợi cho chủ đầu tư cũng như cơ quan cung cấp nguồn tiền để thanh toán, nhưng nhà thầu không thương lượng được nội dung này. Nhà thầu nào trúng thầu cũng đều phải chấp nhận mẫu hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia như vậy”, một số nhà thầu chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, chuyên gia về đấu thầu cho biết, việc nhà thầu đã hoàn thành nhập gạo vào kho, số lượng và chất lượng gạo đã được kiểm định thì không có lý do gì để trì hoãn việc thanh toán cho nhà thầu thêm nữa, nhất là khi đã bị trì hoãn quá lâu.

Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu về nguyên nhân chậm thanh toán 6.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022 cho 4 nhà thầu, lãnh đạo Cục DTNN Đông Nam Bộ cho biết, Cục đã nhiều lần có văn bản báo cáo Tổng cục DTNN về quá trình lựa chọn nhà thầu các gói thầu và đề nghị được cấp 62,668 tỷ đồng để có nguồn chi trả. Tuy nhiên, cho đến nay, Cục chưa được Tổng cục DTNN quyết toán kinh phí nhập kho và cả kinh phí bảo quản 6.000 tấn gạo từ ngày 6/5/2022, với số tiền gần 3,9 tỷ đồng. Hiện nay, Cục DTNN Đông Nam Bộ vẫn đang thực hiện bảo quản 6.000 tấn gạo trên theo quy định.

Về câu hỏi cách xử lý 6.000 tấn gạo dự trữ đang “bất động” trong kho đã hết thời hạn bảo quản trung bình và thời gian lưu kho tối đa 18 tháng cũng đang cận kề, cán bộ của Cục DTNN Đông Nam Bộ cho rằng, việc xuất kho hay xử lý thế nào là quyền của Tổng cục DTNN. Do có nhiều vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Cục DTNN Đông Nam Bộ phải chờ các quyết định của Tổng cục DTNN. Ngay cả việc thanh toán tiền nhập 6.000 tấn gạo, Cục cũng phải chờ Tổng cục DTNN cấp thì mới có nguồn để trả nợ nhà thầu.

Về phía Tổng cục DTNN, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Phạm Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ cho biết, sau khi có kết luận của phía Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Dương, Tổng cục DTNN đã họp với 4 nhà thầu và đang giao Vụ Pháp chế của Tổng cục làm thủ tục thanh toán tiền cho các nhà thầu. Tuy nhiên, thời gian thanh toán thì chưa rõ vì phải làm các thủ tục theo quy định. Theo ông Hà, vì nguồn chi trả cho các nhà thầu cung cấp gạo là ngân sách nhà nước nên không có cơ chế “đền bù thiệt hại”.

Đối với “số phận” của 6.000 tấn gạo đã nhập vào kho từ ngày 6/5/2022, ông Hà cho biết, gạo đã nhập vào kho dự trữ của Nhà nước nên được bảo quản theo Luật Dự trữ, việc xuất dùng phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hàng năm, số gạo dự trữ sau khi xuất cho các nhiệm vụ cứu trợ, cứu đói mà còn dư hoặc thời gian lưu kho sắp hết thì được xuất bán đấu giá theo giá thị trường. Tuy nhiên, theo quy luật, gạo lưu kho trong thời gian dài (hoặc sắp hết thời hạn lưu kho) thì giá bán ra thị trường sẽ thấp hơn rất nhiều so với giá các loại gạo thông thường.

Kỳ 1: Đừng vô cảm với thiệt hại của doanh nghiệp

Chuyên đề