Đấu thầu gạo dự trữ quốc gia tại Đông Nam Bộ: Doanh nghiệp khốn đốn vì bị “mắc kẹt” 6.000 tấn gạo trúng thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xung đột trong quan điểm đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) giữa Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) và Cục DTNN Đông Nam Bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 6.000 tấn gạo dự trữ năm 2022 đã hoàn thành nhập kho từ ngày 6/5/2022 bị “mắc kẹt”. Trong khi 4 doanh nghiệp khốn đốn vì 15 tháng qua không được thanh toán thì một mối nguy khác đang lớn dần do thời hạn bảo quản gạo dự trữ quốc gia sắp hết, “số phận” của 6.000 tấn gạo chưa biết sẽ đi đâu, về đâu…
Các nhà thầu trúng thầu cung cấp 6.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022 tại Cục Dự trữ Nhà nước Đông Nam Bộ đã hoàn thành hợp đồng ngày 6/5/2022. Ảnh minh họa: Song Lê
Các nhà thầu trúng thầu cung cấp 6.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022 tại Cục Dự trữ Nhà nước Đông Nam Bộ đã hoàn thành hợp đồng ngày 6/5/2022. Ảnh minh họa: Song Lê

Kỳ 1: Đừng vô cảm với thiệt hại của doanh nghiệp

Trong khi Cục DTNN Đông Nam Bộ chọn cách đánh giá HSDT theo hồ sơ mời thầu (HSMT) thì Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho rằng, Cục DTNN Đông Nam Bộ đã làm không đúng quy định pháp luật và ban hành quyết định tuyên bố vô hiệu hóa các quyết định của Chủ đầu tư đối với 5 gói thầu mua 6.000 tấn gạo dự trữ. Mâu thuẫn giữa các cơ quan chức năng khiến các nhà thầu “kẹt cứng”, không thể tự gỡ vướng được cho mình…

Đánh giá HSDT, cách nào là đúng?

Từ ngày 18/2 - 15/3/2022, Cục DTNN Đông Nam Bộ mời thầu qua mạng 9 gói thầu mua 10.000 tấn gạo nhập kho tại Chi cục DTNN Bình Dương, Miền Đông và Tây Ninh. Ngày 15/3/2022, Cục DTNN Đông Nam Bộ tiến hành đóng/mở thầu các gói thầu trên và thu hút được nhiều doanh nghiệp cung cấp gạo nộp HSDT.

HSMT các gói thầu mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022 của Cục DTNN Đông Nam Bộ cũng giống như HSMT của 21 Cục DTNN các khu vực khác ở điểm đều có quy định rằng, nhà thầu được hưởng ưu đãi khi cung cấp hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên (theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Đấu thầu). Ngày 19/3/2022, Cục DTNN Đông Nam Bộ đã công khai danh sách các nhà thầu đạt yêu cầu kỹ thuật trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo đó, mỗi gói thầu có từ 5 - 8 nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật.

Ngày 29/3/2022, Tổng cục DTNN có Văn bản 448/TCDT-QLHDT gửi các cục DTNN khu vực, hướng dẫn về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2022. Theo đó, đối với gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022 đã được Bộ Tài chính và Tổng cục DTNN quy định “gạo 15% tấm, loại hạt dài, sản xuất mùa vụ Đông Xuân năm 2022 tại Nam Bộ đạt tiêu chuẩn dự trữ quốc gia” thì các HSDT vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật đều thỏa mãn yêu cầu là hàng hóa sản xuất trong nước, cùng được hưởng ưu đãi như nhau. Do đó, việc đánh giá ưu đãi với nhà thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia sẽ không có ý nghĩa.

Điều đáng nói là, tại Cục DTNN Đông Nam Bộ, trong quá trình đánh giá HSDT của các nhà thầu tham gia cung cấp 6.000 tấn gạo, Cục chỉ căn cứ theo yêu cầu của HSMT. Theo đó, trong HSDT, nhà thầu nào tự kê khai thông tin để tính ưu đãi đối với hàng hóa mình chào (gạo nhập kho dự trữ quốc gia) thì mới được cộng ưu đãi trong bảng đánh giá, còn nhà thầu nào không tự kê khai thì không được áp dụng quy định ưu đãi của HSMT.

Theo Cục DTNN Đông Nam Bộ, Văn bản 448/TCDT-QLHDT của Tổng cục DTNN là văn bản hành chính, tại thời điểm ban hành văn bản này, Cục DTNN Đông Nam Bộ và các Cục DTNN khu vực đã mở thầu và đang trong giai đoạn đánh giá HSDT. Nếu muốn áp dụng Văn bản 448/TCDT-QLHDT thì phải sửa đổi HSMT, nhưng theo quy định pháp luật về đấu thầu, việc sửa đổi HSMT phải diễn ra trước thời điểm đóng thầu. Hơn nữa, các nhà thầu tham gia đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2022 đều chào gạo sản xuất tại Nam Bộ và nhiều nhà thầu chứng minh được chi phí sản xuất hàng hóa trong nước (gạo) chiếm từ 25% trở lên. Do đó, việc áp dụng Văn bản 448/TCDT-QLHDT có thể gây tác động, ảnh hưởng đến quá trình đánh giá độc lập HSDT, dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu.

Với quan điểm như trên, Cục DTNN Đông Nam Bộ lựa chọn cách đánh giá HSDT theo HSMT đã phát hành trước đó và cho rằng, đã tuân thủ đúng quy định pháp luật về đấu thầu.

Cả 4 nhà thầu trúng 5 gói thầu cung cấp 6.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022 tại Cục Dự trữ nhà nước Đông Nam Bộ chưa được thanh toán. Ảnh: Hoàng Hợp

Cả 4 nhà thầu trúng 5 gói thầu cung cấp 6.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022 tại Cục Dự trữ nhà nước Đông Nam Bộ chưa được thanh toán. Ảnh: Hoàng Hợp

Hơn 62 tỷ chưa hẹn ngày về

Cục DTNN Đông Nam Bộ cho biết, trong số 9 gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2022, quá trình đánh giá HSDT cho thấy, có 5 gói thầu (gồm gói 01, 03, 04, 05 và 06) với tổng số gạo cung ứng là 6.000 tấn có sự thay đổi về nhà thầu xếp hạng thứ nhất (nhà thầu trúng thầu) khi tuân thủ đúng HSMT (áp dụng quy định ưu đãi với hàng hóa sản xuất trong nước) so với việc áp dụng theo hướng dẫn của Tổng cục DTNN tại Văn bản 448/TCDT-QLHDT (các nhà thầu cùng được ưu đãi). 4 nhà thầu trúng 5 gói thầu này, gồm Công ty TNHH MTV Quốc Phát, Công ty TNHH Tự Lực, Công ty TNHH Kim Hằng và Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang, với tổng số tiền đã ký hợp đồng là 62,668 tỷ đồng. Ngày 6/5/2022 các nhà thầu đã hoàn thành việc nhập gạo vào các kho dự trữ, chất lượng hàng đã được Tổng cục DTNN đánh giá. Chi phí lưu kho 6.000 tấn gạo nói trên là 3,898 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 7/7/2022, Tổng cục DTNN ra quyết định tuyên bố vô hiệu hóa các quyết định của Chủ đầu tư đối với 5 gói thầu mua gạo dự trữ nói trên, với lý do Cục DTNN Đông Nam Bộ đã làm không đúng quy định pháp luật về đấu thầu.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo dự trữ quốc gia (QCVN 06: 2019/BTC) quy định, gạo dự trữ quốc gia bảo quản kín, thời gian lưu kho 15 tháng. Nếu các chỉ tiêu chất lượng đảm bảo quy định của Quy chuẩn, chỉ tiêu hạt vàng không lớn hơn 1,6 lần so với yêu cầu chất lượng gạo nhập kho thì thời gian lưu kho tối đa 18 tháng, song phải thường xuyên kiểm tra diễn biến chất lượng lô gạo.

Hơn 15 tháng trôi qua, 4 nhà thầu trúng 5 gói thầu cung cấp 6.000 tấn gạo dự trữ “gặp hạn” nói trên vẫn không được thanh toán tiền dù đã gửi đơn kiến nghị và cầu cứu khắp nơi.

Ở một diễn biến khác, tháng 4/2022, Công ty TNHH Đông Hòa (1 trong 3 nhà thầu bị loại ở bước đánh giá về kỹ thuật tại các gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2022 của Cục DTNN Đông Nam Bộ) đã gửi đơn tố cáo lên Bộ Công an về việc Cục DTNN Đông Nam Bộ không thực hiện đấu thầu mua gạo theo hướng dẫn của Tổng cục DTNN, nghi vấn khuất tất trong xét thầu và không lựa chọn nhà thầu này trúng thầu.

Ngày 14/3/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Dương thông báo kết luận khẳng định, Cục DTNN Đông Nam Bộ không vi phạm quy định về đấu thầu khi thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2022, không gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước như nguồn tin về tội phạm tố cáo.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Kim Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kim Hằng cho biết, cho đến nay, cả 4 nhà thầu cung cấp 6.000 tấn gạo nhập vào kho dự trữ quốc gia vẫn chưa được thanh toán. Mặc dù đã có kết luận của cơ quan điều tra từ tháng 3/2023, nhưng không hiểu vì lý do gì, Tổng cục DTNN, Cục DTNN Đông Nam Bộ vẫn không trả tiền gạo cho nhà thầu. Các nhà thầu lâm vào cảnh kiệt quệ tài chính vì phần lớn số tiền đó là vay ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con hơn 1 năm qua đã tăng lên rất nhiều. Cũng theo bà Hằng, kiến nghị, phản ánh, cầu cứu khắp nơi, nhưng không thấy ai đứng ra giải quyết, tình hình khốn khó vô cùng.

Về câu chuyện trên, TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia đấu thầu cho rằng, 4 nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2022 nói trên là “nạn nhân” của các chỉ đạo bất nhất. Ông Hùng cho rằng, các cơ quan chức năng không nên “vô cảm” với các thiệt hại của nhà thầu. Chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng phải sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, có sự chia sẻ đền bù các thiệt hại cho nhà thầu, xử lý thấu đáo và công bằng để trả lại niềm tin cho nhà thầu khi cung cấp gạo dự trữ quốc gia, sai ở khâu nào, do ai thì xử lý ở khâu đó.

Kỳ 2: Số phận 6.000 tấn gạo dự trữ quốc gia sẽ về đâu?

Chuyên đề