Dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục của Bảo hiểm Viễn Đông

(BĐT) - Năm 2019, dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với năm trước, song lợi nhuận của Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (gọi tắt là Bảo hiểm Viễn Đông) vẫn giảm mạnh. Con số lợi nhuận của Bảo hiểm Viễn Đông sẽ giảm nhiều hơn nếu Công ty trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi. Đáng chú ý, các chỉ số tài chính của Công ty xấu hơn mức bình thường, đặt ra dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Mặc dù lỗ lũy kế, Bảo hiểm Viễn Đông vẫn chi 380 tỷ đồng mua lại khu đất tại 19 Phùng Khắc Khoan, Quận I, TP.HCM từ “Shark” Liên với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Ảnh: St
Mặc dù lỗ lũy kế, Bảo hiểm Viễn Đông vẫn chi 380 tỷ đồng mua lại khu đất tại 19 Phùng Khắc Khoan, Quận I, TP.HCM từ “Shark” Liên với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Ảnh: St

Lợi nhuận đi xuống

Bảo hiểm Viễn Đông được thành lập năm 2003, hoạt động chính trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô vốn góp của Công ty là 500 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Thủ Phủ Tre Bamboo (BCG) góp 260 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu 52%. Được biết, việc tham gia góp vốn của BCG tại Bảo hiểm Viễn Đông có liên quan tới hợp đồng hợp tác đầu tư giữa công ty này và bà Đỗ Thị Minh Đức (Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Viễn Đông) - em gái nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên (“Shark” Liên).

Theo Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019, Bảo hiểm Viễn Đông ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 2.886 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2018. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính và doanh thu khác của Công ty đạt tổng cộng 12,1 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí kinh doanh bảo hiểm, chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp, Công ty báo lãi sau thuế đạt 91,9 tỷ đồng (giảm 12,26% so với năm 2018). Tuy vậy, kết quả kinh doanh này chưa thật sự vững chắc.

Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP.HCM - đơn vị thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2019 của Bảo hiểm Viễn Đông - cho biết, khoản nợ phải thu dài hạn là 84,6 tỷ đồng tồn tại từ năm 2010 và 2011 của Công ty được đánh giá “không thể thu hồi”. Nếu tiến hành xử lý và trích lập dự phòng 100% cho các khoản phải thu khó đòi thì tổng lợi nhuận kế toán trước thuế sẽ giảm 33,85 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đến ngày lập báo cáo, đơn vị kiểm toán vẫn chưa nhận được thư xác nhận số dư tại ngày 31/12/2019 cho các khoản phải thu và phải trả của hoạt động nhận tái và nhượng bảo hiểm của Bảo hiểm Viễn Đông.

Một công ty được Bảo hiểm Viễn Đông đầu tư cũng đang trong tình trạng lỗ là Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Lian (Lian) - doanh nghiệp do “Shark” Liên cùng Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus (do “Shark” Liên đảm nhiệm vai trò Giám đốc) góp tổng cộng 10 tỷ đồng, sở hữu 25% vốn điều lệ.

Tại thời điểm cuối năm 2019, Bảo hiểm Viễn Đông ghi nhận góp 14,3 tỷ đồng vào Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Lian và phải trích lập dự phòng 222 triệu đồng cho khoản đầu tư này. 

Chỉ số tài chính xấu hơn mức bình thường

Đáng chú ý, tại Báo cáo tài chính năm 2019 của Bảo hiểm Viễn Đông, Đơn vị kiểm toán nhấn mạnh Công ty có các chỉ số tài chính xấu hơn mức bình thường. Cụ thể, nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (âm 393,9 tỷ đồng) âm quá 78,8% vốn góp chủ sở hữu. Do đó, Đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ và đưa ra lưu ý về tính hoạt động liên tục của Bảo hiểm Viễn Đông.

Thực tế, tình trạng lỗ lũy kế và bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty đã diễn ra vài năm trước đó. Tuy vậy, Công ty vẫn chi 380 tỷ đồng để mua lại khu đất rộng 291,68 m2 (cùng công trình xây dựng) tại địa chỉ số 19 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM từ chính “Shark” Liên. Mức giá quy đổi là 1,3 tỷ đồng/m2, cao hơn nhiều lần so với mặt bằng 300 - 400 triệu đồng/m2 trong khu vực.

Cũng liên quan đến “Shark” Liên, Bảo hiểm Viễn Đông từng ký hợp đồng cho vay với Công ty CP Cấp nước AquaOne. Tính đến giữa năm 2019, dư nợ của khoản vay này là 32,1 tỷ đồng, song đến cuối năm 2019, Bảo hiểm Viễn Đông không ghi nhận dư nợ khoản cho vay với AquaOne. Bên cạnh đó, Công ty dành hơn 100 tỷ đồng để cho vay dài hạn đối với Công ty CP Đầu tư Thái Bảo, Công ty CP Bảo Đảm Vina, Công ty CP Animus Việt Nam, với mức lãi suất 6%/năm, nhằm mục đích “kết nối kinh doanh”. Được biết, các doanh nghiệp này đều đóng trụ sở tại 19 Phùng Khắc Khoan (Quận 1, TP.HCM).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư