Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn. |
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 cá nhân liên quan. Tổng dư nợ gốc và lãi vay đến cuối năm ngoái là 2.278 tỷ đồng.
Khoản vay này được đảm bảo bằng trụ sở công ty tại quận 1 và hai khu đất với tổng diện tích 22 hecta tại huyện Bình Chánh, TP HCM. 5,2 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Thuận Thảo (mã chứng khoán: GTT) cũng được mang ra làm tài sản đảm bảo, nhưng giá trị hiện tại chưa đầy 3 tỷ đồng.
BIDV cho biết, giá khởi điểm dự kiến của khối tài sản này là 845 tỷ đồng. Doanh nghiệp đăng ký làm tổ chức bán đấu giá tài sản phải có tên trong danh sách của Bộ Tư pháp, đồng thời đề xuất phương án đấu giá khả thi, chứng minh cơ sở vật chất nơi diễn ra buổi đấu giá và kê khai các hợp đồng đã đấu giá thành công.
Thuận Thảo Nam Sài Gòn là doanh nghiệp do bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo, thành lập từ năm 2004 với mục tiêu lấn sân bất động sản sau thành công vang dội trong lĩnh vực vận tải hành khách.
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng công trình dân dụng. Sau gần mười năm hoạt động, công ty được UBND TP HCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn.
Thuận Thảo Nam Sài Gòn từng ráo riết vay mượn vốn ngân hàng, đối tác để phát triển dự án. Sau BIDV Phú Tài, công ty ký hợp đồng vay 400 tỷ đồng từ Thuận Thảo với thời hạn một năm và lãi suất 14,4%. Do gặp khó khăn trong đầu tư nên cuối năm đó, hai bên đồng ý điều chỉnh thời hạn vay thành 24 tháng và không tính lãi suất trong năm 2014.
Ban lãnh đạo công ty từng nhận định đây là dự án tiềm năng nên sẽ không gặp rủi ro trong việc thu hồi nợ. Thực tế đến cuối năm qua, Thuận Thảo Nam Sài Gòn vẫn chưa thanh toán khoản nợ gốc và lãi vay lên đến 453 tỷ đồng khiến Thuận Thảo phải thừa nhận mất khả năng thu hồi và trích lập dự phòng cho toàn bộ khoản vay này. Nguồn vốn công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau cú sảy chân vào bất động sản, dẫn đến không còn vốn lưu động để sản xuất và tình hình tài chính mất cân đối.