Đấu giá đất Thủ Thiêm, liệu có "thùng rỗng kêu to"?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp sau Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, mới đây, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh cũng xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá trước đó ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dù hai đơn vị trúng đấu giá còn lại có theo “vết xe đổ” này hay không thì chưa rõ, nhưng những tác động từ khi trúng đấu giá, cho đến khi bỏ cọc, đã gây ảnh hưởng khá tiêu cực cho thị trường bất động sản TP.HCM.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 51 lô đất với diện tích khoảng 79,3 ha đủ điều kiện đấu giá. Nếu việc bỏ cọc xảy ra tràn lan, rất dễ dẫn đến tình trạng bát nháo. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 51 lô đất với diện tích khoảng 79,3 ha đủ điều kiện đấu giá. Nếu việc bỏ cọc xảy ra tràn lan, rất dễ dẫn đến tình trạng bát nháo. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Những tác động tiêu cực trước khi chưa “xì” việc bỏ cọc

Ngay sau khi các phiên đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm ngày 10/12/2021 kết thúc, các chuyên gia bất động sản đã hết sức quan ngại về thương vụ này. Bởi lẽ, kết quả đấu giá 4 lô đất nói trên với giá đất trúng đấu giá đã bị đẩy lên ở mức quá cao so với giá trị thực hiện tại, không có lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.

Khi mức giá đất quá cao mới được xác lập, các chủ đầu tư có dự án và đã nộp tiền sử dụng đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các phường lân cận, kể cả khu trung tâm TP.HCM được hưởng lợi rất nhiều. Nhưng, các chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, hoặc mới “tạm nộp” tiền sử dụng đất thì lâm vào cảnh “ngồi trên đống lửa”, nhất là đối với chủ đầu tư đã ký hợp đồng huy động vốn trước của khách hàng, vì nếu xác định tiền sử dụng đất theo giá thị trường dựa trên các mức giá “khủng” mới xác lập thì tiền sử dụng đất sẽ tăng lên rất nhiều và chủ đầu tư sẽ bị thiệt hại.

Thời điểm đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng lên tiếng cảnh báo rằng, đã có thông tin về một số chủ đầu tư “té nước theo mưa”, “dừng” bán hàng hoặc chấp nhận chịu phạt hợp đồng để “găm” hàng, nghe ngóng chờ cơ hội tăng giá và trên thực tế giá nhà đất trên địa bàn TP. Thủ Đức đã tăng mạnh so với trước đây.

Nhiều chuyên gia cũng đã khẳng định, giá đất quá cao thoát ly giá trị thực không phù hợp với “quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu” và không phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản, trở thành “con dao hai lưỡi” vừa thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa có thể bất lợi cho chính các chủ đầu tư, vì nếu đưa ra giá bán nhà quá cao mà không được thị trường chấp nhận thì có thể làm tăng lượng hàng tồn kho có giá trị lớn.

Và rồi, chỉ sau mấy tháng kể từ khi cuộc đấu giá “vô tiền khoáng hậu” trên kết thúc, bộ mặt thật của các ông lớn bắt đầu lộ diện.

Hậu bỏ cọc và những vấn đề đang đặt ra

Hai doanh nghiệp trúng đấu giá 2 lô đất có giá chênh lệch so với giá khởi điểm cao thứ nhất và nhì cuối cùng đã "thúc thủ". Dù tiền cọc đấu giá 2 lô đất này của hai doanh nghiệp nói trên đương nhiên là mất, nhưng về phía TP.HCM nói chung và thị trường bất động sản nói riêng cũng bị những hệ lụy không nhỏ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay, dù đến nay đã có 2 doanh nghiệp bỏ cọc, nhưng giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao đã tác động tiêu cực, lan tỏa đến tất cả các phân khúc thị trường bất động sản theo hiệu ứng “bình thông nhau”, gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại, trước hết là mục tiêu phát triển “nhà ở thương mại giá phù hợp” tại TP.HCM.

Chưa hết, Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 51 lô đất với diện tích khoảng 79,3 ha đủ điều kiện đấu giá, trong đó có 6 lô đất tại Khu 2C thuộc Khu chức năng số 1 bao gồm 2 lô được quy hoạch Trung tâm hội nghị triển lãm và Lô 7.1 được quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng đủ điều kiện có thể đưa ra đấu giá vào đầu năm 2022. Việc giá trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao, rồi sau đó bỏ cọc, đang và sẽ “gây khó” cho việc đấu giá các lô đất còn lại của Thủ Thiêm và các lô đất khác trên địa bàn Thành phố.

Hệ lụy tiếp theo chính là làm giảm tính “hấp dẫn” của thị trường bất động sản TP.HCM, bởi bị “mang tiếng” là nơi có giá đất đắt đỏ, sẽ gây khó cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhất là các “sếu đầu đàn” để thực hiện mục tiêu xây dựng “Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia kinh tế cho thấy, khả năng việc một số doanh nghiệp “lợi dụng” giá trúng đấu giá rất cao để xin định giá lại tài sản, nhất là tài sản thế chấp, đánh “vống” giá trị tài sản nhà đất để được vay thêm hoặc để “làm sạch” bảng cân đối tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Công điện số 1767/CĐ-CP ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng” đã làm cho các “thùng rỗng kêu to” hết đất tung hoành.

"Đấu giá đất công không phải là trò đùa để các ông lớn muốn làm gì thì làm", một luật sư bình luận và cho biết: "dù luật không cấm những doanh nghiệp từng bỏ cọc không được tham gia đấu giá ở các lần tiếp theo, nhưng nếu tới đây có đấu giá trở lại, thì cần phải xem xét lại năng lực tài chính của những doanh nghiệp này, kể cả trường hợp họ có thể núp bóng hoặc thành lập một pháp nhân mới để tham gia".

Chuyên đề