Đấu giá biển số xe: Phải coi biển số là tài sản sở hữu suốt đời

0:00 / 0:00
0:00
Trước việc đề án đấu giá biển số xe đưa ra hơn 20 năm chưa thể triển khai do thiếu cơ sở pháp lý, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, nội dung này đã được đưa vào dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ để Chính phủ xem xét, trình quốc hội.
Theo chuyên gia
giao thông, để đấu giá biển số xe hiệu quả, cần coi biển số là tài sản sở hữu
suốt đời.
Theo chuyên gia giao thông, để đấu giá biển số xe hiệu quả, cần coi biển số là tài sản sở hữu suốt đời.

Luật hóa để gỡ khó

Cụ thể, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện Chính phủ giao cho các Bộ Công an, Bộ Tư pháp xây dựng, thẩm định dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, dự thảo đã được xây dựng xong và trình Chính phủ. Trong đó có nội dung quy định về đấu giá biển số xe. Nếu được Chính phủ đồng ý để trình Quốc hội thông qua, việc đấu giá biển số xe sẽ có cơ sở để triển khai trong thời gian tới.

Theo dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, tại khoản 3 Điều 50 quy định về các hình thức cấp biển số xe cơ giới nêu rõ: Cấp biển số xe trên hệ thống đăng ký, quản lý xe; Cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá; Cấp biển số xe theo sở thích có thu phí.

Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an và Bộ Tư pháp phối hợp để hoàn thiện dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ. Riêng Bộ Công an, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu, để quy định đấu giá biển số xe sớm đi vào hoạt động khi Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ được thông qua, Bộ Công an sớm tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án cấp biển số xe thông qua đấu giá, trình Chính phủ.

Cần thay đổi cách quản lý biển số

Nhiều chuyên gia giao thông, pháp lý cho rằng, Bộ Công an cần phải thay đổi cách quản lý biển số xe thì quy định đấu giá mới có thể thực hiện được.

Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng quy định đấu giá biển số xe đưa ra hơn 20 năm qua chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, khi Bộ Công an chưa xem biển số xe là vật sở hữu, tài sản sử dụng suốt đời của người dân thì sẽ rất khó thực hiện. Thứ hai, phải xem việc đấu giá biển số xe là đấu giá cả quyền sử dụng, sở hữu cho tất cả biển số xe chứ không chỉ chọn các biển số đẹp ra để đấu giá.

Theo ông Thanh, ở các nước phát triển việc đấu giá biển số xe được thực hiện từ hàng chục năm nay. Cụ thể, mỗi năm các thành phố được cấp “quota” số lượng biển số xe nhất định, để được sử dụng người dân phải thực hiện đấu giá. Khi đã sở hữu được biển số xe, người dân sẽ sử dụng biển số xe đó suốt đời, trong quá trình sử dụng chủ xe có thể bán xe nhưng vẫn giữ lại biển số.

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, cần xác định việc đấu giá biển số xe là đấu giá quyền sử dụng, quyền sở hữu một dãy số “định danh” phương tiện suốt đời của người sử dụng. Có như vậy việc đấu giá biển số xe vừa mang tính xã hội cao vừa mang lại sự quản lý hiệu quả cho nhà nước. “Với đề án đấu giá biển số xe của Bộ Công an chỉ là đấu giá biển số xe đẹp, mục đích chính chỉ phục vụ một nhóm đối tượng sử dụng có điều kiện, có quan hệ… không phục vụ số đông người dân. Đặc biệt sau đấu giá, các biển số xe này vẫn mua bán, trao đổi, cho tặng tự do”, ông Quyền nói.

TS Nguyễn Văn Thành, Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, để quy định đấu giá biển số xe được xã hội đón nhận và mang lại hiệu quả tốt cho công tác quản lý nhà nước, trong đó có kiểm soát lượng xe cá nhân gia tăng, xe không chính chủ, cơ quan xây dựng đề án cần thay đổi cách quản lý biển số xe. Từ cấp cho xe được phép hoạt động trên đường, mua bán, trao tặng, nên quy định biển số xe là mã số định danh phương tiện suốt đời của mỗi người.

Chuyên đề