Từ năm 2018 sẽ tổ chức thí điểm đấu giá biển số 'khủng' (biển số đẹp) đối với ô tô tại 5 thành phố trực thuộc trung ương |
Từ năm 2018 sẽ tổ chức thí điểm đấu giá biển số “khủng” (biển số đẹp) đối với ô tô tại 5 thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ. Đến năm 2020, sẽ tổ chức triển khai trên cả nước.
Sau khi luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội thông qua (hiệu lực từ ngày 1.1.2018), Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến xây dựng đề án “Đấu giá quyền lựa chọn số của biển số xe ô tô”. Đến nay, Bộ Công an đã có dự thảo lần 2 về đề án này.
Từ năm 2018, những biển số “khủng” như trên sẽ được tổ chức đấu giá
Năm 1993, xuất phát từ sở thích của người dân, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP.Hải Phòng nghiên cứu, tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn. Sau 2 tháng thực hiện, có 94 trường hợp tự chọn biển số trên tổng số 198 xe đăng ký, đạt 47%. Sau khi sơ kết, ngày 18.11.1993 Bộ Công an báo cáo Thủ tướng cho triển khai trên cả nước. Tuy nhiên, khi chuẩn bị triển khai thì báo chí và dư luận xã hội chưa đồng thuận nên Thủ tướng yêu cầu ngừng thực hiện.
Đến năm 2008, công an một số địa phương như Bình Thuận, Nghệ An tổ chức bán đấu giá biển số xe và một số tỉnh, thành khác như Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La cũng báo cáo xin ý kiến Bộ Công an về việc tổ chức đấu giá biển số xe theo nguyện vọng người dân. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo về việc đấu giá biển số xe thì gặp vướng mắc, không thống nhất giữa các bộ về cơ sở pháp lý và việc quản lý biển số trúng đấu giá. Theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bán đấu giá tài sản thì không có quy định số của biển số xe là tài sản được bán đấu giá. Mặt khác, việc chuyển nhượng hoặc gắn biển số vào xe khác là trái quy định luật Giao thông đường bộ năm 2008. Ngày 30.9.2011, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm dừng việc đấu giá. Vậy là cả hai lần tổ chức bán đấu giá biển số xe đều phải tạm hoãn do chưa đủ cơ sở pháp lý.
Từ 1.1.2018, luật Quản lý, sử dụng tài sản công chính thức có hiệu lực. Trong đó, khoản 7 điều 4 quy định: “Kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có quy định nội dung kho số của biển số phương tiện cơ giới đường bộ là tài sản công, và có thể bán đấu giá theo quy định.
Các bộ, ngành cho rằng cơ sở pháp lý quy định kho số của biển số phương tiện cơ giới đường bộ được coi là tài sản công là đã đủ, nếu Chính phủ thông qua và ban hành nghị định này. Dự kiến trong tháng 12 này, Bộ Công an sẽ trình Chính phủ đề án nói trên.
Đề án triển khai được chia làm 2 giai đoạn, từ năm 2018 tổ chức thí điểm bán đấu giá biển số ô tô tại 5 thành phố trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ; và một số địa phương khác có nhu cầu như Đồng Nai, Bình Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh... Đến năm 2020, sẽ triển khai trên cả nước.
Việc thu tiền cấp quyền lựa chọn số được thực hiện thông qua hình thức đấu giá trực tuyến theo quy định của luật Đấu giá tài sản 2016, do Hội đồng đấu giá trung ương thực hiện, có nghĩa mỗi địa phương sẽ không cần thành lập hội đồng đấu giá ở địa phương.
Biển số ô tô thuộc diện đấu giá là biển số màu trắng, chữ và số màu đen, gồm các sê ri biển số của ô tô con chở người dưới 9 chỗ, ô tô khách chở người từ 10 chỗ trở lên và ô tô tải.
Theo dự thảo đề án, Bộ Công an sẽ rà soát, lập danh sách các số của kho biển số tại các địa phương 6 tháng/lần đối với các số có định dạng 5 chữ số giống nhau (AAA.AA), 4 chữ số cuối giống nhau (ABB.BB), đồng thời đưa những số này ra khỏi kho biển số của hệ thống đăng ký xe.
Sau khi thành lập hội đồng định giá, xác định giá khởi điểm từng định dạng số, Bộ Công an chuyển các số có định dạng trên cho hội đồng đấu giá tổ chức đấu giá trực tuyến.
Đối với các biển số theo ngày tháng năm sinh, ngày kỷ niệm, số có 2 chữ số cuối là 39, 68, 78, 88, 99... hoặc số nào đó theo sở thích người dân, hội đồng định giá đưa ra giá niêm yết cố định và chuyển cho hội đồng bán đấu giá để người dân có thể tham gia mua quyền chọn số trực tiếp theo nhu cầu trên hệ thống đấu giá được kết nối trực tuyến với hệ thống đăng ký xe.
Khi người dân đồng ý với giá niêm yết và chọn số bất kỳ trong kho số hiện có, hệ thống đăng ký xe tạm thời đưa số đó ra khỏi kho biển số. Sau 48 giờ tính từ thời điểm người dân đăng ký mua thành công, nếu không có thêm người đăng ký mua cùng số đó thì hệ thống đấu giá sẽ xác nhận số đó thuộc về người đăng ký.
Nếu có 2 người cùng đăng ký trở lên, hệ thống sẽ tự động chuyển sang hình thức đấu giá khác. Sau khi trúng đấu giá, chủ xe hoàn thành thủ tục nộp tiền lựa chọn số của biển số và lệ phí đăng ký, cấp biển số theo quy định, cơ quan công an sẽ làm thủ tục đăng ký, cấp biển số đó cho người trúng đấu giá.
Biển số theo xe, không bán lại được
Người tham gia đấu giá phải có đủ một số điều kiện để tham gia đấu giá. Cụ thể, chủ xe có trụ sở hoặc cư trú tại địa phương nào thì được tham gia đấu giá quyền lựa chọn số của biển số xe có ký hiệu tại địa phương đó; có xe và hồ sơ đăng ký theo quy định; có tài khoản ngân hàng... Đặc biệt, chủ xe khi đã chọn số theo hình thức cấp biển số ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe hoặc hình thức chọn số trong kho số đã niêm yết giá thì không được quyền tham gia đấu giá và các hình thức lựa chọn khác.
Nhiều người thắc mắc, biển số “đẹp” mua trúng đấu giá có được chuyển nhượng cho xe khác? Dự thảo đề án nêu rõ: Mỗi biển số gắn duy nhất một xe, khi chuyển nhượng trong cùng địa phương thì biển số đó được công an làm thủ tục sang tên cho chủ mới cùng với xe.
Trường hợp xe bị hỏng không sử dụng được, hoặc bị phá hủy do nguyên nhân khách quan, xe bị mất không tìm được, hết niên hạn sử dụng thì biển số được cơ quan công an thu hồi, hủy và không cấp lại. Mọi người khi đi đăng ký ô tô, nếu có nhu cầu đều có quyền bình đẳng như nhau, không phân biệt giá trị của xe hoặc loại xe.
Theo số liệu đăng ký xe toàn quốc, hằng năm có khoảng 400 biển số thuộc diện đưa ra đấu giá, trong đó ô tô con khoảng 200 số, xe tải 180 số, xe khách 20 số.
Tùy sở thích
Theo đại tá Trần Sơn (nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT, Bộ Công an), khái niệm về biển số “khủng”, “đẹp” rất đa dạng, tùy theo sở thích của người dân. Ví dụ biển số có các số trùng nhau, liên tiếp, đọc lên có nhịp điệu, gắn với cách đọc âm Hán - Việt hoặc theo quan niệm về văn hóa, thú chơi. Những biển số có dãy số tự nhiên giống nhau (thường gọi là “tứ quý”, như: 1111, 9999...), “lộc phát” (6868, 8686...), cặp đôi (3636, 4455, 6699...), “tiến lên” (1234, 6789...), tổng bằng 7 hoặc 9; ngày tháng năm sinh của cá nhân nào đó cũng rất ý nghĩa đối với họ.