Đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội: Doanh nghiệp “phản ứng”, đề nghị được công nhận kết quả trúng đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi UBND TP. Hà Nội có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và môi trường liên quan tới việc đấu giá 3 mỏ cát Châu Sơn; Liên Mạc (Thượng Cát); Tây Đằng - Minh Châu, 3 doanh nghiệp trúng đấu giá các mỏ cát này đã lên tiếng về nhiều nội dung trong báo cáo của TP. Hà Nội.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Các doanh nghiệp đã có Đơn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và thực hiện các bước tiếp theo, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trúng đấu giá.

Tại phiên đấu giá ngày 5 và 6/11/2023 do Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam tổ chức, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn trúng đấu giá mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng 703.500 m3, giá trúng đấu giá là 396,865 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP trúng đấu giá mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát và Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát 508.603 m3, giá đấu trúng đấu giá là 408,290 tỷ đồng và Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá mỏ Tây Đằng - Minh Châu (xã Minh Châu và xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát 4.899.000 m3, giá trúng đấu giá là 883,93 tỷ đồng.

Theo các doanh nghiệp, việc tham gia và trúng đấu giá của các công ty là hoàn toàn đúng với các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đấu giá tài sản và các quy định của pháp luật có liên quan. Căn cứ hồ sơ mời tham gia đấu giá, các công ty đã lập hồ sơ tham gia đấu giá theo đúng các yêu cầu của hồ sơ mời đấu giá và hồ sơ đã được xét chọn bảo đảm theo yêu cầu, đủ điều kiện vào tham gia phiên đấu giá. Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam đã có biên bản công nhận kết quả đấu giá của các công ty, Đơn đề nghị của 3 doanh nghiệp nêu rõ.

Liên quan tới Công văn số 1328/UBND-TNMT ngày 4/5/2024 của UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp cho rằng, nhiều nội dung trong Công văn chưa đúng.

Theo đó, giá trúng đấu giá quyền khai thác đối với 3 mỏ cát: Tây Đằng - Minh Châu, Châu Sơn, Liên Mạc lần lượt là 180.500 đồng/m3, 564.500 đồng/m3, 800.000 đồng/m3 là hoàn toàn bình thường. Bởi, theo công bố giá vật liệu xây dựng của Sở Xây dựng, giá cát đến chân công trình tại địa bàn Hà Nội: cát đổ nền là 176.000 - 202.000 đồng/m3. Qua báo cáo kết quả thăm dò các mỏ cát đã được UBND Thành phố phê duyệt và kết quả khảo sát thực tế thì chất lượng cát (cỡ hạt) tại các mỏ sau khi khai thác, sàng rửa hầu hết đều đạt tiêu chuẩn cho vữa xây trát và bê tông (90% trữ lượng bảo đảm làm vữa xây trát, bê tông và chỉ 10% trữ lượng là dùng cho san lấp). Hiện nay, trên thị trường giá cát xây trát, cát bê tông dao động khoảng 340.000 - 350.000 đồng/m3, có thời điểm lên tới 650.000 đồng/m3.

Các doanh nghiệp cho biết, do chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, san lấp, thi công các dự án, hàng năm thực hiện rất nhiều dự án, cần sử dụng hàng triệu m3 cát, trên thực tế hiện nay muốn mua cát số lượng lớn và có nguồn gốc (có giấy phép) rõ ràng cũng rất khó khăn. Vì vậy, để chủ động nguồn cát, bảo đảm tiến độ thi công các dự án của công ty, các doanh nghiệp quyết định bỏ giá cao (có thể lỗ một chút tại mỏ và sẽ được bù lại tại các dự án).

Liên quan tới vốn chủ sở hữu, UBND TP. Hà Nội đã công nhận vốn chủ sở hữu của 3 doanh nghiệp đều cao hơn 30% tổng vốn đầu tư của các dự án khai thác khoáng sản (theo Quyết định số 5027/QĐ-UBND ngày 5/10/2023 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt tổng vốn đầu tư các dự án khai thác khoáng sản, làm cơ sở đánh giá tiêu chí về vốn chủ sở hữu của các đơn vị đăng ký tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố năm 2023).

Theo khoản 2, Điều 7 Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 9/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản: “Trường hợp số tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản lớn hơn 50 tỷ đồng thì thực hiện thu nhiều lần nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây: a) Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá phải nộp lần đầu tối thiểu 50 tỷ đồng trước khi cấp phép khai thác khoáng sản; số tiền còn lại được thu nhiều lần…”. Như vậy trước khi cấp phép, các đơn vị chỉ phải nộp 50 tỷ đồng tiền trúng đấu giá, cộng thêm khoảng 20 tỷ đồng tiền đầu tư khác (như máy móc, thiết bị, lập dự án….), tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là khoảng 70 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của các đơn vị hoàn toàn đáp ứng 30% vốn đầu tư của dự án.

Do vậy, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bàn giao 3 mỏ cát để sớm triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Các doanh nghiệp cam kết, sau khi được UBND TP. Hà Nội ra quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá sẽ thực hiện các trình tự thủ tục theo đúng tiến độ, quy định của pháp luật.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư