Hà Nội chưa công nhận kết quả trúng đấu giá 3 mỏ cát: DN trúng đấu giá nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả rà soát việc 3 đơn vị trúng đấu giá 3 mỏ cát trên địa bàn với tổng số tiền 1.700 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần giá khởi điểm hồi tháng 11/2023, UBND TP. Hà Nội đã chỉ ra 2 tác động của kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội, đồng thời cho rằng, doanh nghiệp trúng đấu giá không đủ điều kiện cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật về khoáng sản.
Tổng giá trúng đấu giá 3 mỏ cát trên địa bàn TP. Hà Nội tháng 11/2023 khoảng 1.700 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần tổng giá khởi điểm. Ảnh: Nhã Chi
Tổng giá trúng đấu giá 3 mỏ cát trên địa bàn TP. Hà Nội tháng 11/2023 khoảng 1.700 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần tổng giá khởi điểm. Ảnh: Nhã Chi

2 tác động từ kết quả trúng đấu giá

Báo cáo của UBND TP. Hà Nội chỉ ra, theo quy định, giá trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản (ĐGQKTKS) tương đương giá cấp quyền khai thác cát tại mỏ (là giá cát chưa khai thác), các đơn vị trúng đấu giá chỉ được khai thác đúng trữ lượng được phê duyệt.

Theo công bố của Sở Xây dựng Hà Nội, giá cát đến chân công trình được xác định theo công thức: giá cát tại nguồn cung cấp + chi phí vận chuyển đến công trình (giá dịch vụ vận chuyển) + chi phí bốc xếp + chi phí vận chuyển nội bộ trong công trình + chi phí hao hụt bảo quản tại hiện trường. Như vậy, giá cát chưa khai thác (trong trường hợp này là giá trúng đấu giá quyền khai thác cát) đối với 3 mỏ cát: Tây Đằng - Minh Châu, Châu Sơn, Liên Mạc lần lượt là 180.500 đồng/m3, 564.500 đồng/m3, 800.000 đồng/m3. Trong khi đó, giá cát san lấp và cát xây dựng đến chân công trình tại địa bàn Hà Nội do Sở Xây dựng công bố dao động từ 176.000 - 202.000 đồng/m3.

Theo cách hiểu thông thường, 1 m3 cát chưa khai thác đã cao hơn, thậm chí cao gấp nhiều lần so với giá cát đến chân công trình tại địa bàn Hà Nội, dẫn đến các dự án khai thác cát tại 3 mỏ này không thể có lợi nhuận khi các đơn vị thực hiện khai thác với trữ lượng sẽ được cấp phép. Khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư sẽ vừa không đạt tiêu chí về lợi nhuận kinh tế, vừa có thể tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.

Mặt khác, theo quy định của Luật Khoáng sản, sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư, đơn vị lập hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt cấp giấy phép khai thác khoáng sản sẽ có bất cập khi không đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của 3 đơn vị tham gia ĐGQKTKS đủ điều kiện để tham gia đấu giá do đáp ứng tiêu chí cao hơn 30% tổng vốn đầu tư các dự án khai thác khoáng sản đã được phê duyệt trên địa bàn TP. Hà Nội. Tuy nhiên, sau cuộc đấu giá, vốn chủ sở hữu của 3 đơn vị trúng đấu giá nhỏ hơn 30% giá trúng đấu giá nên sẽ nhỏ hơn 30% tổng vốn đầu tư của dự án khai thác khoáng sản mà đơn vị phải lập sau khi trúng đấu giá.

Do vậy, UBND TP. Hà Nội cho biết, không đủ điều kiện cấp phép theo quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản: “Nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản: Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoảng sản".

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện ngay các biện pháp quản lý nhà nước đối với kết quả đấu giá 3 mỏ cát, khẩn trương rà soát, thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục để tổ chức ĐGQKTKS đối với 3 mỏ cát trên theo đúng quy định pháp luật, báo cáo kết quả trước ngày 12/6/2024.

Doanh nghiệp trúng đấu giá nói gì?

Theo tìm hiểu, ngày 5/10/2023, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 5027/QĐ-UBND phê duyệt tổng vốn đầu tư các dự án khai thác khoáng sản, làm cơ sở đánh giá tiêu chí vốn chủ sở hữu của đơn vị đăng ký tham gia ĐGQKTKS trên địa bàn năm 2023. Trong đó, mỏ cát Châu Sơn được phê duyệt tổng vốn đầu tư của Dự án năm 2023 là 16,765 tỷ đồng; mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu có tổng vốn đầu tư Dự án năm 2023 là 80,849 tỷ đồng; mỏ cát Thượng Cát (Liên Mạc) có tổng vốn đầu tư Dự án năm 2023 là 15,574 tỷ đồng.

Theo thông báo ĐGQKTKS ngày 8/9/2023 và thông báo điều chỉnh thời gian tổ chức ĐGQKTKS ngày 10/10/2023 đối với 3 mỏ cát nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là đơn vị xét chọn hồ sơ đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định.

Ngày 9/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã công khai kết quả trúng ĐGQKTKS đối với 3 mỏ cát nêu trên tại Văn bản số 8679/STNMT-TTPTQD.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Sơn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP cho biết, trước khi tham gia đấu giá mỏ cát Liên Mạc, Công ty đã được xét duyệt hồ sơ tham gia đấu giá và đủ điều kiện tham gia theo quy định (vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản). Kể từ khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội công khai kết quả trúng ĐGQKTKS đến nay, TP. Hà Nội chưa có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá nên doanh nghiệp chưa được thực hiện nghĩa vụ tài chính sau khi trúng đấu giá theo quy định của pháp luật. Ngay cả khoản tiền nộp lần đầu tối thiểu là 50 tỷ đồng sau khi trúng đấu giá, trước khi cấp phép khai thác, doanh nghiệp cũng chưa được nộp.

Theo ông Tùng, doanh nghiệp chưa có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, chưa nộp khoản tiền 50 tỷ đồng, chưa xin cấp giấy phép khai thác mỏ cát và chưa có căn cứ để xác định doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn lực tài chính, khi có quyết định trúng đấu giá, doanh nghiệp sẽ chứng minh được nguồn vốn chủ sở hữu đáp ứng ít nhất 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản. “Doanh nghiệp sẽ có công văn nêu rõ vấn đề này gửi UBND TP. Hà Nội, Văn phòng Chính phủ”, ông Tùng nói.

Ông Ngô Thành Quý, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn cho biết, giá cát Sở Xây dựng Hà Nội công bố không bắt kịp với giá thị trường nên khó có thể khẳng định là giá cát từ 176.000 - 202.000 đồng/m3 là giá thực tế phải trả trong giao dịch thị trường đối với cát san lấp và cát xây dựng đến chân công trình tại Hà Nội. Chưa kể Công ty Việt Sơn có hợp đồng với một số công ty nước ngoài và một số gói san lấp khu công nghiệp, khu đô thị nên giá cả phần lớn căn cứ theo giá thị trường chứ không thể thấp như giá công bố của Sở Xây dựng. Bên cạnh đó, cát sau khi khai thác có thể đưa vào chế biến sâu, sàng tuyển để tách được cát có chất lượng cao nhất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty như phục vụ cho các trạm trộn bê tông, nguyên liệu đầu vào cho đổ bê tông đúc cống, gạch, cầu đường, từ đó nâng giá thành để đảm bảo có lãi theo phương án tính toán kinh doanh của Công ty.

Theo kết quả ĐGQKTKS đối với 3 mỏ cát trên địa bàn TP. Hà Nội ngày 5 và 6/11/2023, có 3 đơn vị trúng đấu giá với tổng số tiền trúng đấu giá khoảng 1.700 tỷ đồng.

Cụ thể, mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có diện tích 169.300 m2, trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là 703.536 m3, giá khởi điểm là 2,881 tỷ đồng. Sau 89 vòng đấu giá, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn trúng đấu giá với 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.

Mỏ Tây Đằng - Minh Châu (xã Minh Châu và xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có diện tích 815.306 m2, trữ lượng cấp quyền khai thác là 4.899.000 m3, giá khởi điểm 19,29 tỷ đồng. Sau 21 vòng đấu giá đã xác định được Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá với 883,93 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.

Mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát và Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có diện tích 157.300 m2, trữ lượng cấp quyền khai thác là 508.603 m3, giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng. Sau 53 vòng đấu giá, mỏ cát này thuộc về Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP với giá trúng đấu giá 408,29 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm.

Chuyên đề