Trúng đấu giá 3 mỏ cát gần 1.700 tỷ đồng tại Hà Nội: Liệu có tiếp tục tạo “tiền lệ xấu” trong đấu giá?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trả giá đấu giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần so với giá khởi điểm rồi bỏ cọc, "bỏ của chạy lấy người" là thực tế đã tạo tiền lệ xấu cho các cuộc đấu giá tài sản nói chung và đấu giá cát nói riêng. Những ngày gần đây, dư luận đang hồi hộp theo dõi xem liệu một kịch bản tương tự có xảy ra đối với 3 mỏ cát vừa trúng đấu giá gần 1.700 tỷ đồng tại Hà Nội.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Tiền lệ xấu từ đấu giá cát

Còn nhớ thời điểm năm 2021, vụ đấu giá mỏ cát sông Tiền tại An Giang với mức giá trúng đấu giá hơn 2.811 tỷ đồng gây xôn xao dư luận một thời gian dài sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, kết quả đấu giá mỏ cát này cũng bị hủy bỏ.

Tiếp đó đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra đấu giá 12 mỏ cát. Nhiều đơn vị tham gia đấu giá đã đẩy mức giá lên cao ngút để trúng đấu giá. Rất nhanh sau đó, các doanh nghiệp này trả mỏ, bỏ cọc.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, mỏ cát Xuân Đình (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành) có giá khởi điểm 570 triệu đồng, quá trình đấu giá đã đẩy lên 16 tỷ đồng - tăng gấp 28 lần (đơn vị trúng đấu giá là Công ty Phú Cường). Với mỏ cát Ngân Giang (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) có giá khởi điểm 839 triệu đồng, Công ty THC Quảng Ngãi đấu giá đẩy lên 44,3 tỷ đồng và trúng đấu giá. Sau đó, các doanh nghiệp này lấy lý do thăm dò khảo sát trữ lượng thực tế tại mỏ quá ít so với dự báo hoặc lý do tài chính không đảm bảo nên đã làm đơn trả quyền khai thác mỏ cát.

Trở lại với 3 mỏ cát tại Hà Nội vừa được đấu giá thành công mới đây, tổng giá trúng đấu giá của các mỏ cát này là 1.684 tỷ đồng.

Trong đó, mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) có giá khởi điểm 19,2 tỷ đồng được đấu giá thành công với giá 883 tỷ đồng - cao gấp 45 lần giá khởi điểm. Một mỏ cát khác tại xã Châu Sơn (huyện Ba Vì) cùng trong phiên đấu giá này khiến dư luận cả nước choáng váng khi giá khởi điểm 2,881 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá là 397 tỷ đồng - cao gấp 141 lần giá khởi điểm. Mỏ Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) có giá trúng đấu giá "ấn tượng" hơn nhiều, lên tới 408 tỷ đồng - cao gấp 200 lần so với giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, sau khi có thông báo bằng văn bản công nhận kết quả của công ty tổ chức đấu giá (chậm nhất sau 5 ngày cuộc đấu kết thúc), Sở sẽ chuyển hồ sơ để cơ quan thuế ra thông báo đơn vị trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ thuế.

Chậm nhất sau 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định phê duyệt kết quả, cơ quan thuế thông báo tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Trường hợp dưới 50 tỷ đồng thì nộp một lần theo thông báo của cơ quan thuế.

Do 3 mỏ cát trên đều có giá trúng lớn hơn 50 tỷ đồng nên tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nộp lần đầu tối thiểu 50 tỷ đồng trước khi cấp phép khai thác. Số tiền còn lại được thu nhiều lần với thời gian thu không quá 5 năm tính từ ngày được cấp phép khai thác.

Tính tới thời điểm này, các doanh nghiệp trúng đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội vẫn đang trong thời gian thực hiện các nghĩa vụ tài chính sau đấu giá. Tuy nhiên, từ thực tế câu chuyện "đấu giá cao rồi bỏ cọc", liệu có diễn ra kịch bản tương tự các cuộc đấu giá cát với giá trúng đấu giá cao bất thường, rồi bỏ cọc?

Mạnh tay với nạn đấu giá xong rồi bỏ cọc

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia lĩnh vực đấu giá cho biết, việc doanh nghiệp tham gia đấu giá "say mê" trả giá lên quá cao, rồi bỏ cọc giữa chừng đã tạo tiền lệ xấu. Về phía doanh nghiệp tham gia đấu giá, nếu không thực hiện nghĩa vụ tài chính sau trúng đấu giá, doanh nghiệp sẽ không được trả lại tiền đặt trước tham gia đấu giá. Theo Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân tham gia phiên đấu giá và trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng từ chối không nhận kết quả trúng đấu giá mà chưa được hội đồng đấu giá chấp thuận thì không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá đó.

Trong trường hợp nào thì Nhà nước cũng thu được tiền vào ngân sách (tiền trúng đấu giá hoặc tiền đặt trước). Tuy nhiên, dưới góc nhìn doanh nghiệp, hành vi này gây lãng phí thời gian, tiền bạc và cả cơ hội kinh doanh của nhiều khách hàng, doanh nghiệp có nhu cầu tham gia đấu giá thận, cần sớm có chế tài mạnh hơn để ngăn chặn, xử lý.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV cũng đang thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá tài sản. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, cần có thêm chế tài xử lý đối với hành vi trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.

Theo đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn ĐBQH TP.HCM), thực tế nhiều người tham gia đấu giá nhưng mục đích của họ chưa hẳn là mua được tài sản đấu giá. Ngoài việc trả giá cao, họ còn có những mục đích khác như: thao túng mặt bằng giá mới, phô trương danh thế… Do đó, việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được thực hiện chặt chẽ. Bên cạnh đó, từ thực tiễn trong thời gian qua, việc tăng tiền đặt cọc lên 10% để ngăn chặn việc sẵn sàng mất cọc để thực hiện mục đích khác là cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh, nên quy định rõ biên độ chênh lệch đặt cọc mức tối thiểu và mức đặt tối đa, tùy theo giá trị, vị trí tài sản. Đại biểu này cũng đề nghị phạt tiền đối với người không chấp hành đúng pháp luật đấu giá, không vì mục đích mua được tài sản, họ sẽ mất tiền cọc và chịu thêm phạt hành chính.

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn ĐBQH Quảng Nam) cũng đề xuất chế tài nghiêm minh để xử lý các trường hợp trúng đấu giá nhưng tự ý từ chối kết quả. Theo đại biểu, Luật Đấu giá tài sản hiện hành chưa quy định vấn đề này dẫn đến hàng loạt trường hợp lợi dụng việc đấu giá để làm hình ảnh, tác động đến thị trường, sau đó bỏ kết quả đấu giá.

Được biết, doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát Liên Mạc là Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP. Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư thương mại Việt Sơn trúng đấu giá mỏ cát tại xã Châu Sơn và Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu.

Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP được thành lập tháng 9/2023, có trụ sở đặt tại số 94 Trần Đăng Ninh, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội. Hiện Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng do 4 cá nhân góp vốn, gồm Nguyễn Văn Phong (68% vốn điều lệ), Lê Sơn Tùng (15%), Đặng Hoàng Sơn (12%) và Nguyễn Văn Định (5%).

Về Công ty CP Đầu tư thương mại Việt Sơn, theo đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này có trụ sở tại Lô BT 5 - OBT07, Khu đô thị Nam Võ Cường, đường Lý Thánh Tông, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Công ty được thành lập tháng 2/2009 và hiện có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Chức vụ Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty do ông Ngô Thành Quý đảm nhiệm.

Trong khi đó, Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh có trụ sở tại thôn Vân Nghệ, xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Công ty hiện có vốn điều lệ 20 tỷ đồng do 2 cá nhân Trương Thị Ngọ và Nguyễn Văn Phúc là chủ sở hữu. Chức vụ Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty do ông Nguyễn Văn Nha đảm nhiệm. Được biết doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu, đồng thời là nhà thầu xây dựng trên địa bàn huyện Kim Động.

Theo dữ liệu của phóng viên, thời gian gần đây, Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh được lựa chọn thực hiện một số gói thầu như: Thi công xây dựng công trình đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở xã Hồng Vân với giá trúng thầu 19,722 tỷ đồng; Thi công xây lắp công trình san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư mới Thí Điểm, thôn Đông Kết với giá 8,47 tỷ đồng; Thi công xây dựng công trình Trường Mầm Non thôn Thiết Trụ, xã Bình Minh thuộc Dự án Trường Mầm Non thôn Thiết Trụ, xã Bình Minh với giá 12,898 tỷ đồng…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư