Mỹ-Trung sẽ có vòng đàm phán thương mại tiếp theo tại Washington vào tháng 9 - Ảnh: AP. |
Các nhà đàm phán thương mại cấp cao của Mỹ và Trung Quốc dự định sẽ gặp lại nhau vào đầu tháng 9, sau khi vòng đàm phán mới nhất kết thúc mà gần như không đạt được tiến bộ nào.
Theo hãng tin Bloomberg, vào buổi chiều ngày thứ Tư, đoàn quan chức Mỹ dẫn đầu bởi Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện thương mại (USTR) Robert Lightzhier đã khép lại các cuộc thảo luận ở Thượng Hải với đoàn Trung Quốc dẫn đầu bởi Phó thủ tướng Lưu Hạc.
12 vòng đàm phán không mang lại thỏa thuận
Đây là vòng đàm phán thứ 12 trên con đường đi tìm giải pháp cho cuộc thương chiến đã kéo dài hơn 1 năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong một tuyên bố phát đi sau đó, Nhà Trắng cho biết Washington sẽ là địa điểm diễn ra vòng đàm phán tiếp theo. Tuyên bố cũng nói hai bên đã có các cuộc thảo luận "mang tính xây dựng" tại Thượng Hải, về các vấn đề bao gồm "ép buộc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, hàng rào phi thuế quan, và nông sản".
"Phía Trung Quốc khẳng định cam kết tăng mua hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ", tuyên bố của Nhà Trắng viết.
Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã nói các nhà đàm phán Mỹ-Trung đã thảo luận vấn đề Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng nông sản từ Mỹ dựa trên nhu cầu thực tế của Trung Quốc và phía Mỹ phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc này.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 1/8 đưa ra quan điểm nhất quán trong các bài bình luận, nhấn mạnh rằng hai nước nên hợp tác thay vì đối đầu. Các báo đài nước này cùng nhắc lại rằng đàm phán thương mại là công việc khó khăn, cần phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Vòng đàm phán vừa rồi diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump "nổi đóa" vì cho rằng Trung Quốc không thực thi đúng lời hứa tăng mua nông sản Mỹ. Hôm thứ Ba, khi các nhà đàm phán Mỹ vừa tới Trung Quốc dự họp, ông Trump viết trên Twitter rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục "bóc lột" nước Mỹ.
Hôm thứ Tư, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đáp trả cáo buộc trên của ông Trump bằng một bài bình luận nói rằng Trung Quốc chẳng có động cơ gì để "bóc lột" Mỹ và chưa bao giờ làm như vậy. Bài báo cũng nói Trung Quốc sẽ không nhân nhượng trong các vấn đề mang tính nguyên tắc về thương mại.
Lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) ngày thứ Tư đã có động thái cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ.
Các kỳ vọng đang thấp
"Bấp bênh từ chính sách thương mại đã tăng cao hơn những gì chúng tôi đánhh giá trước đây", Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu trong một cuộc họp báo. Ảnh hưởng gián tiếp của thuế quan, đặc biệt là cú sốc về niềm tin kinh doanh, đối với nền kinh tế là lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng của chính thuế quan - theo ông Powell.
Vào buổi tối ngày thứ Ba, các nhà đàm phán Mỹ đã cùng các quan chức Trung Quốc dùng bữa tối tại khách sạn Fairmont Peace Hotel ở Thượng Hải. Nguồn thạo tin nói rằng bữa tối này chủ yếu nhằm tạo sự thân mật giữa hai bên, chứ không đi sâu vào công việc.
Các nhà báo theo dõi sự kiện cho biết bầu không khí của vòng đàm phán này khá thân thiện, không có gì là căng thẳng. Tân Hoa Xã nói đây là một cuộc trao đổi trung thực, hiệu quả và mang tính xây dựng về các vấn đề kinh tế và thương mại lớn.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đã đóng một vai trò nổi bật hơn trong vòng đàm phán lần này so với trước đây. Việc ông Chung tham gia sâu hơn vào cuộc đàm phán khiến một số quan chức Mỹ lo ngại bởi họ cho rằng ông là một nhà đàm phán cứng rắn.
Trước và sau vòng đàm phán này, giới quan sát đều chưa có kỳ vọng gì lớn vào một sự đột phá để đi đến một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Bất đồng giữa hai bên hiện nay được đánh giá là lớn hơn so với thời điểm cách đây 3 tháng - thời điểm đàm phán bất ngờ đổ vỡ và hai bên đổ lỗi cho nhau phá hỏng thỏa thuận.
"Tôi vốn có kỳ vọng thấp, nhưng tôi vẫn phải thất vọng", chuyên gia cấp cao David Dollar thuộc Viện Brookings nhận định với Bloomberg ngày 31/7. Theo ông Dollar, việc vòng đàm phán tiếp theo phải đến tháng 9 mới diễn ra là một dấu hiệu cho thấy "không bên nào cảm thấy cần phải gấp rút đạt một thỏa thuận".
Vị chuyên gia nhận định cả ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ "đang hài lòng với nguyên trạng", đồng thời cho rằng các nhà đàm phán hai nước sẽ thi thoảng gặp lại nhằm ngăn sự leo thang căng thẳng thương mại trước khi Mỹ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống 2020.