Tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn góp hoặc cổ phần có quyền biểu quyết sẽ đảm bảo Nhà nước chủ động trong việc ban hành đa số các quyết định thông thường của doanh nghiệp. Ảnh: Internet |
Khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được sửa đổi trong các lần xây dựng Luật Doanh nghiệp vào năm 2005, năm 2014.
Trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Quốc hội bàn thảo, khái niệm DNNN lại một lần nữa được sửa đổi, đó là bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) cho rằng, việc thay đổi khái niệm DNNN là cần thiết để phù hợp với chủ trương và thực hiện các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khi chúng ta đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Hiệp định này định nghĩa DNNN là DNNN trực tiếp sở hữu trên 50% vốn hay kiểm soát trên 50% quyền biểu quyết. Tuy nhiên, bà Phương nhấn mạnh, việc thay đổi khái niệm có tác động lớn đến khối doanh nghiệp; do vậy đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá kỹ các tác động này và rà soát các văn bản pháp luật liên quan để có các quy định chuyển trước lộ trình thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để không nảy sinh vướng mắc, mâu thuẫn trong quá trình thực hiện khi Luật có hiệu lực.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đánh giá cao việc Ban soạn thảo Dự thảo Luật đưa tên gọi của DNNN là Nhà nước trực tiếp sở hữu trên 50% vốn hay kiểm soát trên 50% quyền biểu quyết. "Trước đây, chúng ta cổ phần hóa rất khó vì lý do các nhà đầu tư được tham gia rất ít cổ phần vào DNNN. Nhà đầu tư được tham gia cổ phần nhiều thì mới khuyến khích họ sẵn sàng tham gia", ông Thân nhận xét.
Từ việc thay đổi khái niệm của DNNN lần này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) và đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn TP. Hải Phòng) đề nghị, khi thay đổi khái niệm DNNN theo luật này thì cần rà soát, điều chỉnh để đảm bảo tương thích với các luật khác quy định về DNNN; các khái niệm về DNNN phải đồng nhất một quan niệm, và không thay đổi khái niệm nữa.
Giải thích rõ hơn về căn cứ lựa chọn tiêu chí Nhà nước sở hữu trên 50%, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban soạn thảo đã phân tích, đánh giá tác động, so sánh và tham vấn 3 phương án: trên 35%; trên 50%; trên 65%. So sánh lợi ích và tác động thì phương án trên 50% được đánh giá là hợp lý nhất.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn góp hoặc cổ phần có quyền biểu quyết sẽ đảm bảo Nhà nước chủ động trong việc ban hành đa số các quyết định thông thường của doanh nghiệp. Đối với quyết định quan trọng thì tỷ lệ sở hữu này cũng vẫn đảm bảo được quyền chi phối quyết định quan trọng khác của doanh nghiệp.
Ngoài ra, phương án này có mặt tích cực hơn so với các phương án khác là tính tương thích với hệ thống quy định pháp luật hiện hành, bởi vì các quy định về giám sát, quản lý doanh nghiệp có phần vốn nhà nước đã và đang phân loại, tiếp cận đối với doanh nghiệp có phần vốn của Nhà nước theo các tiêu chí tương tự như dưới 50%, trên 50% và 100%. Tỷ lệ 50% cũng phù hợp với cách phân loại DNNN theo các hiệp định thương mại, đầu tư mà nước ta đã tham gia (CPTPP, FTA…).