Đại tá Nga thừa nhận S-400 không thể đơn độc chống lại tên lửa Mỹ

Chuyên gia quân sự Nga khẳng định tổ hợp S-400 đặt tại Syria có uy lực lớn, nhưng không thể bảo vệ toàn bộ không phận nước này nếu không được hỗ trợ.

Tổ hợp S-400 do Nga triển khai tại căn cứ Hmeymim, Syria

Sau vụ Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria hồi tuần trước, câu hỏi lớn được nhiều chuyên gia quân sự đặt ra là tại sao các hệ thống phòng không hiện đại của Nga ở Syria như S-400 không hành động để bắn hạ tên lửa Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với trang Free Press của Nga hôm 7/4, đại tá không quân về hưu Vladimir Karjakin, giáo sư Đại học Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga ở Moscow, phần nào giải đáp câu hỏi này khi cho rằng các hệ thống phòng không S-300, S-400 khó có thể tự mình bảo vệ được không phận Syria.

Đại tá Karjakin cho biết hệ thống S-300 và S-400 được Nga triển khai đến Syria sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24 Nga cuối năm 2015. Đây được cho là động thái mang tính ngoại giao quân sự, thể hiện Nga có thể kiểm soát không phận Syria trước các mối đe dọa từ phương Tây.

Nhưng đại tá này cho rằng chỉ riêng S-300, S-400 là không đủ để ngăn chặn mọi cuộc tấn công đường không vào lãnh thổ Syria, đặc biệt là với các tên lửa hành trình bay thấp khó đánh chặn như Tomahawk.

Ngoài ra, các hệ thống phòng không của Nga tại Syria hiện nay chỉ được giao nhiệm vụ bảo vệ căn cứ và lực lượng chiến đấu do nước này triển khai. Moscow và Washington từng ký kết bản ghi nhớ về ngăn chặn đụng độ trên không và bảo đảm an toàn bay tại Syria. Điều này được cho là lý do khiến tổ hợp S-400 và Pantsir-S1 Nga không nhắm bắn khí tài Mỹ vốn được coi là "đồng minh" trên không phận Syria.

Để có thể bảo vệ triệt để các mục tiêu quân sự và dân sự ở Syria, Nga phải triển khai nhiều tổ hợp tên lửa khác nhau, tạo thành mạng lưới phòng không đa tầng nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công như vậy trong tương lai, theo ông Karjakin.

Cụ thể, Nga cần triển khai thêm tổ hợp phòng không tầm trung Buk-M2, tên lửa tầm ngắn Tor, thậm chỉ là các loại tên lửa vác vai như Verba và Igla. Các căn cứ của quân đội Syria cũng cần được trang bị rộng rãi tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1.

"Nếu quân đội Syria triển khai đại trà tổ hợp Pantsir-S1, đợt tấn công bằng tên lửa vào sân bay Shayrat có thể đã không xảy ra", đại tá Karjakin phát biểu.

Tổ hợp S-300 và Pantsir-S1 Nga tham gia diễn tập

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cuối tuần trước xác nhận Nga sẽ áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ trong tương lai gần, bao gồm cả tăng cường hệ thống phòng không cho quân đội chính phủ Syria.

Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ Shayrat hôm 7/4, phá hủy 6 tiêm kích MiG-23, một kho chứa, khu vực huấn luyện, một đài radar và khu nhà ăn. Ít nhất 6 người thiệt mạng và 15 người bị thương, trong đó có cả dân thường. 

Ông Konashenkov cho biết chỉ có 23 trong tổng số 59 quả Tomhawk tới được mục tiêu, 36 quả khác được cho là đã biến mất trên đường bay.

Tổ hợp Buk-M2 có thể được Nga đưa tới Syria trong thời gian tới. Ảnh:Wikipedia.

"Trong mọi trường hợp, cả Nga và Syria đã nhận được bài học rất quý giá sau đợt tấn công bằng tên lửa của Mỹ, buộc họ phải áp dụng nhiều biện pháp mới để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng", đại tá Karjakin nhận định.

Chuyên đề