Đại gia Thái nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên gần 50%. |
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước vừa tổ chức phiên đấu giá chào bán 24,15 triệu cổ phần Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP) trong chiều 9/3.
Dù chỉ có hai nhà đầu tư đăng ký tham gia với tổng khối lượng cổ phần đặt mua là 24,17 triệu đơn vị, nhưng phiên đấu giá lại kéo dài hơn dự kiến do chờ hệ thống xử lý cổ phần lẻ so với bước giá quy định. Hơn 30 phút từ lúc nhập lệnh, toàn bộ khối lượng chào bán được khớp lệnh tại mức giá khởi điểm 96.500 đồng mỗi cổ phần.
Do cả hai nhà đầu tư đặt lệnh cùng giá nên The Nawaplastic Industries - công ty thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan), chỉ sở hữu được 24,13 triệu cổ phần dù trước đó đã gửi đơn đến Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đăng ký mua toàn bộ cổ phần chào bán. Ước tính The Nawaplastic Industries chi khoảng 2.331 tỷ đồng cho thương vụ này.
Sau phiên đấu giá này, The Nawaplastic Industries nâng tỷ lệ nắm giữ tại Nhựa Bình Minh lên mức 49,91% và trở thành cổ đông lớn nhất. Đại gia Thái Lan bày tỏ mong muốn tăng tỷ lệ sở hữu để nắm quyền chi phối từ khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhận cho doanh nghiệp dẫn đầu thị phần nhựa công nghiệp khu vực phía Nam nới room ngoại lên 100% vào cuối tháng 9 năm ngoái.
Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM, đại gia Thái Lan có thể hướng đến nắm cổ phần kiểm soát bằng cách tăng tỷ lệ sở hữu thông qua mua vào thị trường hay qua một số thương vụ thỏa thuận có sắp xếp trước.
Nhựa Bình Minh hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất ống nhựa hàng đầu tại Việt Nam. Công ty sở hữu 4 nhà máy nhựa với tổng công suất là 140.000 tấn, cùng hệ thống phân phối và là thương hiệu phổ biến với mức độ nhận diện cao. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây trong điều kiện cạnh tranh gay gắt từ những doanh nghiệp mới, Nhựa Bình Minh đã dần đánh mất thị phần, với kết quả kinh doanh thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn trước.
Năm 2017, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 15% so với năm trước, lên mức 3.824 tỷ đồng. Giá nguyên liệu đầu vào diễn biến phức tạp, chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh khiến lợi nhuận trước thuế giảm đến 25%, xuống còn 583 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu quan trọng này đều không hoàn thành kế hoạch 4.050 tỷ đồng và 700 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm.