Đã đến lúc lập quỹ đầu tư hạ tầng quốc gia?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng hiện nay và trong thời gian tới là rất lớn. Trong khi đó, các kênh huy động vốn cho những dự án này lại hạn chế. Do đó, một số ý kiến cho rằng nên tính đến việc lập quỹ đầu tư hạ tầng quốc gia với một phần vốn mồi của Nhà nước và kêu gọi nguồn lực từ tư nhân để thêm kênh dẫn vốn cần thiết cho các dự án này.
Trong 10 năm tới, Việt Nam dự kiến xây dựng khoảng 3.800 km đường bộ cao tốc mới. Ảnh: Lê Tiên
Trong 10 năm tới, Việt Nam dự kiến xây dựng khoảng 3.800 km đường bộ cao tốc mới. Ảnh: Lê Tiên

Theo tính toán tại Đề án “Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, trong 10 năm tới, mục tiêu đặt ra là xây dựng khoảng 3.800 km đường bộ cao tốc mới. Trong khi 20 năm qua mới làm được 1.200 km đường bộ cao tốc. Đó là những con số cho thấy đòi hỏi về nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong thời gian tới là rất lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng hạ tầng cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án.

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hiện tổng mức đầu tư của Tập đoàn vào các dự án giao thông là trên 60.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp vô cùng lớn, nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng và các nguồn vốn khác khá hạn chế do ngân hàng không còn mặn mà đối với đầu tư phát triển hạ tầng.

Do đó, theo ông Thế, một trong các giải pháp thiết thực hiện nay là Việt Nam cần sớm có quỹ đầu tư hạ tầng quốc gia, chuyên cho vay ưu đãi, hoặc đầu tư trái phiếu hạ tầng, trái phiếu dự án của doanh nghiệp. Quỹ đầu tư hạ tầng quốc gia cũng có thể rót vốn mồi, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư mua trái phiếu của doanh nghiệp hạ tầng giao thông, khiến thị trường hấp dẫn hơn.

Thực tế tại Việt Nam, đã có một số quỹ hoặc tổ chức tài chính nhà nước hoạt động như vai trò của quỹ đầu tư hạ tầng, chẳng hạn như Quỹ đầu tư phát triển TP. Đà Nẵng hoạt động theo mô hình quỹ đầu tư phát triển địa phương, hay một phần hoạt động cho vay vốn đầu tư phát triển của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng từ các tổ chức tài chính này rất hạn chế.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, ở các nước phát triển, vốn đầu tư dự án kết cấu hạ tầng thường đến từ nhiều nguồn, đó là vốn mồi từ ngân sách nhà nước, vốn phát hành trái phiếu dự án, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn vay từ các định chế tài chính hoặc các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng. Trong đó, quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi đó, vai trò của các quỹ này tại Việt Nam rất mờ nhạt, đặc biệt VDB chưa thể hiện rõ vai trò cho vay phát triển kết cấu hạ tầng và đang trong quá trình thực hiện tái cấu trúc.

Do đó, ông Lực cho rằng, đến thời điểm này việc xem xét thành lập một quỹ đầu tư hạ tầng quốc gia là hết sức cần thiết, có thể do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy chế hoạt động và cũng là cơ quan quản lý quỹ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động của Ngân hàng VDB theo hướng chú trọng và làm tốt vai trò tài trợ vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc thành lập quỹ đầu tư phát triển hạ tầng để cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn cho các dự án kết cấu hạ tầng là rất thiết thực trong giai đoạn hiện nay. Về mô hình hoạt động của quỹ, theo ông Hiếu, nên theo hình thức công - tư. Quỹ này trước hết cần có vốn nhà nước để bảo đảm nguyên tắc đối tác công tư, sau đó thu hút thêm các đối tác, cổ đông tư nhân tham gia sáng lập với tỷ lệ không chi phối.

Cơ chế thu hút vốn của quỹ là phát hành trái phiếu công trình, đưa trái phiếu lên sàn giao dịch trái phiếu trong nước và có thể tính đến việc chứng khoán hóa sản phẩm gốc để phái sinh cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức gián tiếp. Với cách sở hữu trái phiếu, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia rót vốn vào quỹ và các nguồn vốn nhàn rỗi khác trong xã hội cũng có thể tham gia với lợi tức trái phiếu cao hơn lợi tức trái phiếu chính phủ và lãi suất ngân hàng. “Cần bảo đảm quỹ hoạt động một cách minh bạch, có khả năng sinh lời thì mới thu hút được nguồn lực xã hội tham gia”, ông Hiếu nói.

Chuyên đề