Đã đến lúc kích cầu nền kinh tế?

(BĐT) - Tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các bộ ngành, địa phương bàn giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một trong các vấn đề được đặt ra là có cần kích cầu hay không?
Đẩy mạnh được tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển, kích thích tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhã Chi
Đẩy mạnh được tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển, kích thích tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhã Chi

Tiêu dùng thêm 1%, nền kinh tế có thêm 38.000 tỷ đồng

Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần thiết phải kích cầu. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn lưu ý, kích cầu là làm sao để  người dân gia tăng mức độ tiêu dùng hàng hoá trong nước, chứ không phải đẩy mạnh việc sử dụng hàng nhập khẩu. “Nếu đẩy mạnh được tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển mở rộng, tái đầu tư, kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải bảo đảm được tính cạnh tranh, chất lượng sản phẩm. Như vậy, tăng trưởng mới tốt lên được”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đề cập đến các gói hỗ trợ khi thực hiện kích cầu, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, đầu tiên Chính phủ phải kích cầu thông qua việc đẩy mạnh chi tiêu công đối với các mặt hàng trong nước. Khi Chính phủ, địa phương đẩy mạnh việc dùng hàng Việt thì sẽ tạo sức lan toả đối với các thành phần khác. “Còn các gói hỗ trợ khác nếu sử dụng nên cân nhắc kỹ để tránh bị coi là can thiệp vào nền kinh tế thị trường”, ông Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, cần thúc đẩy cho vay tiêu dùng. “Hiện việc cho vay tiêu dùng khá là thấp, chỉ chiếm 10% tổng dư nợ hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong khi các nước như Trung Quốc thì 16 - 17%, Mỹ 35 - 40%”, ông Lực thông tin và cho biết, nếu kích thích tăng tiêu dùng thêm 1%, nền kinh tế có thêm 38.000 tỷ đồng. Ngoài ra, việc thúc đẩy tiêu dùng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, là hết sức quan trọng. Nếu ngành du lịch tăng trưởng 30 - 35% năm nay, ngân sách sẽ có thêm khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, theo ông Lực, cần cải cách môi trường kinh doanh, nuôi dưỡng 61.000 doanh nghiệp ra đời trong nửa đầu năm 2017 để tạo thêm nhiều việc làm và sức tiêu dùng cho nền kinh tế. “Chính phủ đã và đang chỉ đạo việc cải thiện môi trường kinh doanh nhưng khâu thừa hành ở cấp dưới vẫn còn nhiều vấn đề, người dân và doanh nghiệp vẫn còn kêu nhiều. Nếu mình làm tốt môi trường kinh doanh thì sẽ gia tăng đầu tư, kích thích tiêu dùng”, ông Lực nói. 

Cần cân nhắc các giải pháp kích cầu

Theo quan điểm của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc kích cầu là biện pháp cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, để đạt được 6,7% thì có thể phải kích cầu rất mạnh. “Tuy nhiên, mặt trái của kích cầu là lạm phát. Do vậy khi thực hiện kích cầu cũng cần được xem xét nhằm kiểm soát lạm phát cho phù hợp. Cân bằng việc này nhiều khi là bài toán rất khó”, ông Hiếu nói.

“Khi kích cầu đồng nghĩa với việc sẽ có lượng tín dụng lớn đổ vào lưu thông. Mức tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đưa ra năm nay là 17 - 18%. Đây là con số tôi cho rằng phù hợp với tăng trưởng 6,7%. Tuy nhiên, đẩy tín dụng ra ngoài thì cần phải quan tâm đến chất lượng tín dụng”, ông Hiếu lưu ý.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc kích cầu cần được thực hiện ở rất nhiều lĩnh vực. Trong đó, đầu tiên là lĩnh vực tiêu dùng hàng ngày như y tế, thực phẩm hay tất cả những sản phẩm đáp ứng nhu cầu cần thiết đời sống… Liên quan đến lĩnh vực thực phẩm, ông Hiếu cho rằng đây là một ngành có tiềm năng rất lớn và càng ngày càng phát triển, tuy nhiên do chúng ta chưa có sự kiểm soát an toàn thực phẩm nên chưa tận dụng được nhiều. Người dân vẫn chuộng hàng ngoại thay vì hàng nội địa.

Không chỉ lĩnh vực thực phẩm, theo ông Hiếu, các ngành khác cũng vậy, nếu chúng ta kiểm soát được nguồn cung tốt thì việc kích cầu mới mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. “Từ đó đặt ra vấn đề là làm sao phải nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm trong nước. Còn nếu cứ hô hào tăng trưởng, đẩy tín dụng đi mà không kiểm soát được thì cuối cùng cũng chỉ con số trên sổ sách”, ông Hiếu nói. Cũng theo ông Hiếu, cần tập trung thúc đẩy các mặt hàng đáp ứng nhu cầu chung của xã hội, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh việc kích cầu, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng. Trong đó, cần chú ý tới việc sử dụng nguồn lực ngân sách hiệu quả. Tập trung vào các dự án hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan toả. “Chúng ta cần có thứ tự ưu tiên trong đầu tư, không thể dàn trải được. Đặc biệt, cần có biện pháp xử lý đối với những dự án đầu tư kéo dài gây đội vốn, thất thoát, lãng phí”, ông Tuấn nói.

Theo ông Trần Anh Tuấn, cần sử dụng có hiệu quả những nguồn lực huy động được từ phát hành trái phiếu chính phủ, vốn ODA. “Những đồng vốn đó càng đưa nhanh vào nền kinh tế thì càng tốt, nếu không sẽ rất lãng phí bởi mình phải trả lãi trong khi vốn vẫn nằm đó, các dự án đó sẽ đội vốn lên theo thời gian, ông Trần Anh Tuấn cho hay.

Vẫn theo ông Tuấn, một giải pháp quan trọng cần được chú ý tới đó là huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào những dự án trọng điểm. Nguồn lực còn nằm nhiều trong dân, vấn đề là làm sao để thu hút nguồn vốn vào các dự án theo hình thức PPP nhằm phục vụ nhu cầu phát triển.

Ông Trần Anh Tuấn khẳng định, nếu thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn, sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề