Ảnh Internet |
Đối với kiến nghị về cơ chế tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường BĐS và có chính sách trung và dài hạn cho người mua căn nhà đầu tiên, NHNN cho hay, đã có cơ chế tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường nói chung và thị trường BĐS nói riêng thông qua việc cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn theo quy định. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng chủ yếu là từ huy động tiền gửi của dân, do đó phải được phân bổ, sử dụng an toàn, hiệu quả kinh tế nhất và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, không thể tập trung vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nguồn vốn cho thị trường BĐS hiện nay chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, vì vậy, việc đẩy mạnh các kênh huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng đối với lĩnh vực BĐS là cần thiết. Đặc biệt, để góp phần đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường BĐS, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, cần thu hút từ các nguồn vốn trung, dài hạn khác như vốn đầu tư nước ngoài, vốn từ các quỹ tài chính.
NHNN cũng cho biết, hiện nay, cơ chế chính sách về nhà ở xã hội đã được ban hành khá đồng bộ theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và các Thông tư hướng dẫn của các bộ ngành liên quan. Theo đó, đối với người dân tái định cư thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thì áp dụng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định hiện hành. Vẫn theo NHNN, trong điều kiện nguồn lực có hạn, việc hỗ trợ cần ưu tiên cho đối tượng thu nhập thấp, chưa có nhà ở, đang gặp khó khăn về chỗ ở để giúp người nghèo, người có thu nhập thấp cải thiện chỗ ở và bảo đảm an sinh xã hội.
Trước đó, HoREA từng nhận định rằng, thị trường BĐS hoạt động trung hạn và dài hạn, nhưng Nhà nước chưa có cơ chế tạo lập nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn để cung cấp cho thị trường BĐS. Theo HoREA, chính sách tín dụng nhà ở xã hội chưa triển khai được, nên người thu nhập thấp ở đô thị và các đối tượng chính sách chưa có cơ hội để tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để tạo lập nhà ở. HoREA cũng cho rằng, NHNN cần có cơ chế xác định lãi suất cho vay dài hạn, khoảng 20 năm, để mua nhà, đặc biệt là người mua căn nhà đầu tiên, với phân khúc phù hợp.
Mặt khác, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép thành lập quỹ đầu tư BĐS, nhưng vẫn chưa triển khai được trên thực tế. Trong khi đó, Quỹ tín thác BĐS (quỹ REIT) và thị trường chứng khoán phái sinh vẫn chưa được hình thành để tạo vốn cho thị trường BĐS.