Cuộc thâu tóm quyền lực ở Bộ Ngoại giao Mỹ

Ngoại trưởng Tillerson bắt đầu tước quyền lực quan trọng từ các nhà ngoại giao chuyên nghiệp để thắt chặt kiểm soát tại Bộ Ngoại giao.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh:Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh:Reuters.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 17/7 bất ngờ đảo ngược quyết định được người tiền nhiệm Hillary Clinton đưa ra năm 2009 ở Bộ Ngoại giao, thu hồi lại toàn bộ quyền hành và chức năng quan trọng từ Thứ trưởng đặc trách các vấn đề chính trị Thomas Shannon. Giới quan sát cho rằng đây là một trong những nỗ lực của ông Tillerson nhằm thâu tóm quyền hành và thắt chặt kiểm soát tại Bộ Ngoại giao, theo Reuters.

Trong nhiệm kỳ của mình, bà Clinton đã trao cho thứ trưởng đặc trách các vấn đề chính trị, nhà ngoại giao chuyên nghiệp cấp cao nhất tại Bộ Ngoại giao, quyền hành rất lớn trong việc thay ngoại trưởng ra các quyết định quan trọng về chính sách đối ngoại của Mỹ. Tại Bộ Ngoại giao, thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị là quan chức đứng ở vị trí thứ ba, sẽ trở thành quyền ngoại trưởng khi người đứng đầu Bộ Ngoại giao và phó ngoại trưởng vắng mặt.

Các cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng cách thức trao quyền này của bà Clinton rất hữu ích trong việc cho phép cấp dưới ra quyết định một cách nhanh chóng khi bà hay cấp phó của bà đang công du ở nước ngoài.

"Nếu bạn làm đúng chức năng là một nhà ngoại giao, bạn phải công du thường xuyên", một cựu quan chức Bộ Ngoại giao giấu tên dưới thời Obama cho biết. "Cần phải có sự phân quyền, nếu không công việc sẽ không trôi chảy được".

Cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí Exxol Tillerson được ông Trump chọn làm Ngoại trưởng Mỹ không phải nhờ kinh nghiệm làm ngoại giao của ông, mà từ kỹ năng đàm phán của người đứng đầu một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao buộc ông phải dựa rất lớn vào những nhà ngoại giao chuyên nghiệp để giải quyết những thách thức về đối ngoại mà Mỹ đang phải đối mặt.

Sau 6 tháng Tillerson nắm quyền, các vị trí quản lý cấp cao ở Bộ Ngoại giao vẫn đang vắng chủ hoặc được kiêm nhiệm lâm thời bởi các nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông Tillerson nói rằng ông muốn rất thận trọng trong việc tuyển người trong thời gian xem xét lại toàn bộ cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Tillerson đang rà soát lại cách thức phân quyền trong cơ quan, nhằm "tinh giản hóa việc phân quyền, thúc đẩy sự minh bạch, rõ ràng và hiệu quả hơn trong quá trình ra quyết định ở bộ".

Ông Tillerson hôm qua cũng thừa nhận rằng "đang có rất nhiều chỗ trống" trong Bộ Ngoại giao, nhưng khẳng định ông đã hoàn thành một nhiệm vụ lớn khi "có những chuyên gia tài năng, nổi bật trong lĩnh vực đối ngoại làm việc trong cơ quan".

Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại rằng với chiến dịch thâu tóm quyền lực từ tay các nhà ngoại giao chuyên nghiệp như vậy, ông Tillerson có thể sẽ gặp nhiều vướng mắc trong quá trình ra những quyết định lớn và làm phật lòng những quan chức ngoại giao chuyên nghiệp đã có quá trình công tác dày dặn.

Sự chậm chạp trong khâu bổ nhiệm quan chức ngoại giao cấp cao cũng cản trở quá trình ra quyết định và gây ra tình trạng quan liêu trong đội ngũ chóp bu ở Bộ Ngoại giao, các nghị sĩ Mỹ cho biết.

"Chúng tôi không biết chính sách của họ là gì và các nhà ngoại giao cũng không biết chính sách đó", thượng nghị sĩ Ben Cardin, ủy viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, tuyên bố hôm qua.

Cuộc thâu tóm quyền lực ở Bộ Ngoại giao Mỹ ảnh 1

Thứ trưởng ngoại giao đặc trách các vấn đề chính trị Thomas Shannon. Ảnh:Washington Times.

Không chỉ tước quyền quyết định những vấn đề quan trọng từ tay Thứ trưởng Shannon, ông Tillerson còn không cho phép nhà ngoại giao chuyên nghiệp này tiếp tục phê chuẩn các báo cáo của Bộ Ngoại giao gửi tới Quốc hội. Các báo cáo này giờ đây phải được trình lên Phòng Hoạch định Chính sách, một cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao thường do một chính trị gia đứng đầu. Việc bổ nhiệm trưởng phòng Hoạch định Chính sách và các nhân viên dưới quyền không cần đến sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ như các quan chức cấp cao khác trong Bộ Ngoại giao.

Luật pháp Mỹ yêu cầu Bộ Ngoại giao nộp hàng trăm báo cáo mỗi năm cho quốc hội, về các hoạt động như chống khủng bố, điều kiện nhân quyền ở các nước, chiến lược chống ma túy của các quốc gia, tình hình tự do tôn giáo và buôn người trên thế giới…

Những báo cáo này thường được các văn phòng, đại sứ quán liên quan chuẩn bị, sau đó nộp về để Cục đặc trách Lập pháp vụ và các trợ lý cấp cao của ngoại trưởng xem xét trước khi gửi tới quốc hội. Người phê chuẩn báo cáo cuối cùng là thứ trưởng đặc trách các vấn đề chính trị, người giám sát 7 văn phòng đặc trách các khu vực trên toàn thế giới.

Ba cựu quan chức ngoại giao cho rằng khi được trao quyền phê chuẩn các báo cáo này, đội ngũ nhân viên Phòng Hoạch định Chính sách có thể đưa các quan điểm chính trị của mình vào báo cáo.

"Động thái này thể hiện hành động 'thâu quyền' của cơ quan hoạch định chính sách, nhưng bạn không thể điều hành Bộ Ngoại giao chỉ bằng một cơ quan cấp phòng nhỏ bé như vậy", Eliot Cohen, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận định. "Bạn cần phải có một thứ trưởng đặc trách các vấn đề chính trị mạnh. Bạn phải ra ngoài, thiết lập quan hệ làm việc tốt với các chuyên gia của bộ".

Chuyên đề