Cuộc đàm phán Paris diễn ra trong 4 năm 8 tháng 14 ngày với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao giữa Việt Nam và Mỹ, 500 cuộc họp báo… Ảnh St |
Còn với chúng ta, chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giang sơn thu về một mối, đất nước bước vào kỷ nguyên thống nhất là thành quả trên các mặt trận, trong đó có mặt trận ngoại giao.
Kiên định đường lối độc lập, tự chủ
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy, cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta ở miền Nam đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường, làm rung chuyển nước Mỹ. Đặc biệt, với sự kiện này, ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ đã bị đánh bại và họ nhận thấy không thể giành chiến thắng bằng quân sự trong cuộc chiến tranh Việt Nam nên buộc phải ngừng ném bom miền Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris từ ngày 13/5/1968 để tìm cách rút lui trong danh dự.
Như vậy, tính từ ngày 13/5/1968 đến ngày 27/1/1973 - ngày Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, cuộc đàm phán Paris diễn ra trong 4 năm 8 tháng 14 ngày với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao giữa Việt Nam và Mỹ, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn… Có thể nói trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới, đây là một trong những cuộc đàm phán dài nhất. Đây là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới. Cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về chúng ta khi buộc Mỹ phải cam kết công nhận nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc đàm phán Paris đã để lại cho cách mạng Việt Nam nói chung, nền ngoại giao Việt Nam nói riêng, nhiều bài học vô cùng quý giá.
Trước hết, đó là bài học kiên định đường lối độc lập, tự chủ gắn liền với đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh của toàn dân tộc với sức mạnh của thời đại. Trong suốt quá trình đàm phán ở Paris, chúng ta luôn giữ vững độc lập, tự chủ, coi đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong xử lý các vấn đề đối ngoại. Bởi chỉ có giữ vững độc lập, tự chủ trong quyết định chiến lược, sách lược, ta mới có thể chủ động tiến công, chủ động tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ để bảo vệ lợi ích dân tộc. Cùng với giữ vững độc lập, tự chủ trong đàm phán, chúng ta cũng tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước bạn, sự đồng tình của dư luận quốc tế, kể cả dư luận tiến bộ Mỹ, góp phần tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam.
Một bài học hết sức quan trọng nữa là quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn kiên trì các vấn đề nguyên tắc, chiến lược nhưng rất linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Bác Hồ từng căn dặn cán bộ ta: “Trong ngoại giao cũng như trong xử lý các tình huống phức tạp, chính sách phải có cương, có nhu. Cương quá thì dễ gãy. Nhu quá thì hèn. Nói nên nhu. Làm nên cương”. Tại bàn đàm phán, các nhà ngoại giao của ta luôn biết giành từng thắng lợi nhỏ trong mỗi “trận đấu”, mỗi phiên họp, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng.
Đó cũng còn là bài học về sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; vận dụng tài tình nghệ thuật “vừa đánh vừa đàm” trong toàn bộ tiến trình đàm phán. Có thể nói, ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Hội nghị Paris thực sự đã trở thành một mặt trận chiến lược, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bài học này lại được minh chứng sinh động bằng những đóng góp rất thầm lặng song không kém phần quan trọng của mặt trận ngoại giao khi ta mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Cùng với các lực lượng tình báo quân sự, hoạt động ngoại giao đã đánh giá đúng về những khó khăn nội bộ của chính quyền Sài Gòn và chiều hướng chính sách khu vực của Mỹ, từ đó dự báo chuẩn xác về các bước đi của Mỹ và khả năng Mỹ không thể can thiệp quân sự trở lại. Đây là cơ sở vô cùng quan trọng giúp Bộ Chính trị nhận định “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” và đưa ra quyết định “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đây là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới. Cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về chúng ta khi buộc Mỹ phải cam kết công nhận nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc
Đến hôm nay, chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng những kinh nghiệm và bài học quý báu được rút ra trong quá trình đàm phán buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam đang được phát huy tích cực trong hoạt động đối ngoại để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra chủ trương, đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới với nhiệm vụ cơ bản là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Các nhiệm vụ này có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, trong đó giữ vững hoà bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng nêu rõ tư tưởng chỉ đạo của đường lối đối ngoại là: thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; sự ủng hộ, giúp đỡ và nguồn lực từ bên ngoài là vô cùng quan trọng. Về nguyên tắc đối ngoại phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi...
Hiện nay, đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ… với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tình hình thế giới hiện đang có những chuyển biến sâu sắc, mau lẹ và khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng của các dân tộc trên thế giới song có nhiều thách thức, nhất là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn (như cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra), các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, dịch bệnh… Đặc biệt, từ năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến những biến động trong cục diện quốc tế bị đẩy nhanh hơn, tác động trực tiếp, nhiều chiều tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, đem lại cả thời cơ và thách thức mới. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong bối cảnh đó, kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ngoại giao thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển đất nước tiếp tục là một “mặt trận”, trong đó các cán bộ ngoại giao là những “người lính”, không ngừng phấn đấu góp phần tích cực nâng cao vị thế đất nước, thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời đưa đất nước vào vị thế có lợi nhất trong nền chính trị, kinh tế, văn hóa khu vực và toàn cầu.