Giữa vòng xoáy của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, doanh nghiệp càng cần phải nâng cao tiềm lực tài chính, kỹ thuật để cung cấp những sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Ảnh: Lê Tiên |
Trong giai đoạn này, chúng ta chưa nên quá lo lắng, mà cần chủ động quan sát, nắm chắc diễn biến của tình hình, xem xét kỹ lưỡng phạm vi, thời gian tác động của cuộc chiến nhằm có những đối sách phù hợp.
Khó lường về phạm vi tác động
Ngày 6/7/2018, Mỹ chính thức bắt đầu cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử của mình bằng việc áp thuế nhập khẩu 25% đối với một loạt hàng hóa của Trung Quốc. Đáp trả lại, phía Trung Quốc cũng áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Nhiều ý kiến cảnh báo rằng, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại không chỉ với Trung Quốc mà còn với nhiều đối tác khác, trong đó có cả đối tác truyền thống.
Đánh giá về tác động của cuộc chiến này, ông Đặng Xuân Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, đây là cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới nên tác động đối với nền kinh tế toàn cầu là rất lớn, trong đó tác động với Việt Nam có thể ở hai góc độ, trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, theo ông Quang, tác động gián tiếp tới nền kinh tế là rất đáng lưu ý, bởi có thể tác động đến các đối tác khác có quan hệ thương mại với Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, phân tích, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, xuất khẩu nhiều, lệ thuộc khá nhiều vào thị trường bên ngoài. Do đó, những diễn biến của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam.
Dự báo về khả năng tác động của cuộc chiến này đối với sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, ông Quang cho rằng: Thời điểm này còn quá sớm để có thể đưa ra dự báo về sự dịch chuyển tăng hay giảm dòng vốn vào Việt Nam. Thực tế, chúng ta chưa hình dung được hết cuộc chiến này ở cả hai vấn đề, đó là thời gian diễn ra trong bao lâu và phạm vi tác động như thế nào. “Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chúng ta không nên quá lo lắng hay quá vội vàng trong việc đưa ra những phản ứng về chính sách”, ông Quang khuyến nghị.
Liên quan đến vấn đề tỷ giá, cả ông Quang và ông Lược đều nhấn mạnh, đây là vấn đề rất đáng chú ý. Thông thường, các nước sẽ đi theo hướng giảm giá đồng tiền để tăng sức cạnh tranh hàng xuất khẩu khi vấp hàng rào thuế quan. Nếu không thì hàng hóa sẽ khó cạnh tranh, bóp nghẹt sản xuất trong nước. Do đó, việc điều hành tỷ giá phải hết sức cẩn trọng và linh hoạt nhằm đem lại lợi ích cho nền kinh tế.
Tăng áp lực cạnh tranh cho hàng Việt
Bên cạnh vấn đề dịch chuyển dòng vốn hay vấn đề tỷ giá, một trong những mối lo được cho là lớn nhất đối với hàng hóa của Việt Nam từ cuộc chiến này đó là năng lực cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Theo ông Quang, khi một nền kinh tế lớn như Trung Quốc có khối lượng hàng hóa lớn được sản xuất ra không tiêu thụ được ở thị trường Mỹ, chắc chắn sẽ tìm kiếm những thị trường khác để đưa những hàng hóa đó vào, trong đó có thị trường Việt Nam. Dưới tác động của cuộc chiến này, hàng hóa của Trung Quốc vào Việt Nam có thể sẽ tăng lên.
Tương tự, ông Lược nhận định, khi không xuất khẩu được sang Mỹ, hàng Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để chen vào thị trường Việt Nam. Thậm chí có nguy cơ Trung Quốc sẽ bán hàng thừa vào Việt Nam. Hàng Trung Quốc với khối lượng lớn, giá rẻ hơn sẽ làm cho hàng Việt lao đao.
Lo lắng trước tình hình này, trong phát biểu với báo chí gần đây, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt chia sẻ, dự báo khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ gặp khó khăn, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với số lượng lớn. Đáng lo là các sản phẩm thép Trung Quốc giá rẻ hơn thép Việt Nam sẽ tràn ngập thị trường, ảnh hưởng rất lớn đến ngành thép trong nước.
Dù vậy, ở một góc nhìn lạc quan hơn, ông Quang cho rằng: “Chúng ta không nên bi quan về sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”. Lý do là thực tế những năm gần đây, khu vực kinh tế trong nước đang có những kết quả tích cực; nhiều hàng hóa của Việt Nam có sức cạnh tranh cao so với hàng hóa của Trung Quốc. Vấn đề chỉ trở nên phức tạp khi cuộc chiến này kéo dài, phạm vi tác động mở rộng, bắt buộc chúng ta phải có chính sách tổng thể đối phó với tác động.
Để các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó tốt với những tác động tiêu cực từ cuộc chiến này, một số chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tiềm lực để thích nghi. Theo đó, doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tiềm lực tài chính, kỹ thuật để có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
Về chính sách, ngoài việc kiên định với những mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và phát triển bền vững, cần quan sát, nắm chắc diễn biến của tình hình, xem xét phạm vi và thời gian tác động… nhằm có những đối sách phù hợp.