Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thiết bị, vật tư cho sản xuất từ nước thứ ba. Ảnh: Tiên Giang |
Đây là vấn đề đặt ra tại Diễn đàn nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản: “Tăng cường hợp tác song phương sau 10 năm thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản” vừa diễn ra.
Liên kết chưa tưng xứng
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), kể từ khi hai nước ký kết Hiệp định năm 2008, Nhật Bản luôn nằm trong top các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Hợp tác Việt - Nhật đã góp phần cải thiện năng lực sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam, tạo hiệu ứng lan toả đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước. Đồng thời, gắn kết vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và cải thiện hạ tầng phục vụ thương mại…
Ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội nhìn nhận, sau 10 năm ký kết Hiệp định, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ thứ 2 trong số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đây là một thành công lớn trong hợp tác kinh tế giữa hai nước. Các số liệu thống kê cho thấy, cứ 10 DN có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì có gần 2 DN đến từ Nhật Bản sử dụng công nghệ hiện đại, lao động trình độ cao. Về năng suất lao động tính theo tiền lương, lao động làm trong các DN có vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản có năng suất cao hơn (8,7 triệu đồng/người/tháng) so với các DN có vốn FDI từ các nước khác (bình quân gần 7 triệu đồng/người/tháng)…
Bên cạnh những kết quả tích cực trong hoạt động đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, không ít ý kiến tại Diễn đàn băn khoăn về sự liên kết giữa các DN Việt Nam và các DN có vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản. Sau nhiều năm hợp tác, tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, máy móc, thiết bị vật tư vẫn thấp; nhiều DN Nhật Bản tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thiết bị, vật tư cho sản xuất từ nước thứ ba…
Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đưa ra một vài con số đáng lưu ý: Tốc độ tăng vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam năm 2017 là 19,7%, nhưng 5 tháng đầu năm 2018 là 8,2%. Trong hợp tác thương mại, DN Việt Nam mới tận dụng được trên 30% cơ hội trong Hiệp định…
Chủ động hơn trong hội nhập
Nhìn lại 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước cũng như 10 năm thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản để hướng tới tương lai, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông Cung, để tận dụng hết được những cơ hội hai nước tạo ra cũng như của quá trình hội nhập, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách trong nước, nắm bắt cơ hội.
Tán thành quan điểm trên, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đánh giá toàn diện kết quả hợp tác kinh tế giữa hai nước sau 10 năm để thấy những điểm chưa tương đồng để tìm cách thu hẹp khoảng cách. “Dường như các DN Việt Nam vẫn trông chờ tương đối nhiều vào sự hợp tác với nước ngoài hơn là bản thân mình phải nỗ lực thực hiện các cơ hội tạo ra. Nếu DN Việt Nam không hăng hái, không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, sẽ khó có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các DN lớn”, bà Lan nói.
Các chuyên gia đến từ Đại học Tokyo, JETRO của Nhật Bản cũng nhấn mạnh, vẫn còn dư địa để cải thiện liên kết giữa DN hai nước. Tuy nhiên, để tăng cường liên kết, DN Việt Nam cần chủ động hơn, chứ không chỉ đòi hỏi các dự án tài trợ cho các hoạt động. Hơn nữa, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực DN trong nước…
Còn theo ông Nguyễn Anh Dương, để tăng cường liên kết, chúng ta cần thay đổi tư duy khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường hợp tác theo cơ chế đa phương để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho đầu tư. Đồng thời, duy trì đối thoại liên tục và thực chất về các vấn đề liên quan đến đầu tư như: cải cách môi trường kinh doanh, nhu cầu nâng cao năng lực, nhu cầu phát triển hạ tầng kinh tế…