Covid-19 khiến 22 triệu lao động ở các nước tiên tiến mất việc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, 22 triệu việc làm đã bị mất ở các nền kinh tế tiên tiến do Covid-19.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

So với thời kỳ đỉnh điểm khủng hoảng Covid-19, các nước phát triển đã cứu được khoảng 21 triệu việc làm. Tuy nhiên, các nền kinh tế này vẫn phải đối mặt với mối đe dọa về tỷ lệ thất nghiệp dài hạn, bởi những lao động trình độ thấp thất nghiệp thời gian qua vẫn phải vật lộn để tìm việc làm mới.

"Nhiều công việc đã bị mất trong cuộc khủng hoảng đại dịch này sẽ không được phục hồi", Stephane Carcillo, người đứng đầu bộ phận việc làm và thu nhập của OECD, nhận định.

Báo cáo triển vọng việc làm do OECD vừa công bố cho biết, đến tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước OECD giảm xuống còn 6,6%, nhưng vẫn cao hơn mức trước đại dịch ít nhất 1%. Trong số 22 triệu người không làm việc, 8 triệu người thất nghiệp và 14 triệu người được coi là rời khỏi thị trường lao động.

Tổ chức có trụ sở tại Paris, Pháp cho rằng, việc làm tổng thể ở các nước thành viên sẽ không trở lại bình thường cho đến quý III/2023. Tuy nhiên, các quốc gia riêng lẻ - chẳng hạn như các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương - đã chứng tỏ khả năng xử lý khủng hoảng tốt hơn, có thể cải thiện nhanh hơn.

Tác động của tình trạng thiếu việc làm kéo dài được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến những người dễ bị tổn thương, phụ nữ và lao động có kỹ năng thấp. Báo cáo cho thấy, giới trẻ cũng có khả năng bị tác động tiêu cực nhiều hơn so với những người trưởng thành đang làm việc. Số người trẻ không có việc làm hoặc không đi học tại các nước OECD tăng thêm 3 triệu người trong năm 2020, đảo ngược xu hướng giảm của cả một thập kỷ trước đó.

Báo cáo của OECD khuyến nghị các chính phủ tăng cường đào tạo lao động trong các ngành kinh tế xanh và kỹ thuật số, đồng thời tập trung hỗ trợ việc làm cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giãn cách xã hội.

Chuyên đề