Công ty CP Điện Gia Lai: Gian nan bán đấu giá nhà máy thủy điện

(BĐT) - Từ tháng 8/2019 đến nay, Công ty CP Điện Gia Lai (GEC) liên tục chào bán đấu giá 4 nhà máy thủy điện quy mô nhỏ và cổ phần tại Công ty CP Thuỷ điện Kênh Bắc - Ayun Hạ với kỳ vọng thu về khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bán đấu giá của GEC đang gặp nhiều trở ngại.
Công ty CP Điện Gia Lai đang thông báo bán đấu giá lần 4 các nhà máy thủy điện nhỏ với tổng giá khởi điểm còn 193,016 tỷ đồng. Ảnh: NC st
Công ty CP Điện Gia Lai đang thông báo bán đấu giá lần 4 các nhà máy thủy điện nhỏ với tổng giá khởi điểm còn 193,016 tỷ đồng. Ảnh: NC st

Điện mặt trời là nguồn thu lớn của GEC

Theo công bố của GEC, đến hết quý II/2019, GEC sở hữu hệ thống 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất 85 MW và 5 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 260 MWp.

Riêng trong quý II/2019, GEC đã đóng điện thêm 3 nhà máy điện mặt trời mới là Đức Huệ 1 (Long An), Hàm Phú 2 (Bình Thuận) vào tháng 4, và Trúc Sơn (Đăk Nông) vào tháng 6 khi thi công kỷ lục chỉ trong 100 ngày. Với tổng công suất gần 143 MWp, các dự án được hưởng mức giá ưu đãi 9,35 cents/kWh trong 20 năm.

Mặc dù 3 nhà máy điện mặt trời nói trên mới chỉ được vận hành trong quý II nhưng đã góp phần đưa sản lượng điện mặt trời nửa đầu năm của Công ty đạt 53% kế hoạch năm, cao hơn thủy điện 1,6 lần.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện thương phẩm của GEC đạt hơn 202 triệu kWh. Trong đó, điện mặt trời là 125 triệu kWh (chiếm 62%) và thủy điện là 77 triệu kWh (chiếm 38%). Với kết quả ấn tượng, sản lượng điện mặt trời đã bù đắp tốt cho sự thiếu hụt của sản lượng thủy điện. GEC dự kiến sẽ vượt kế hoạch sản lượng điện trong năm 2019.

Sự tăng trưởng tốt của điện mặt trời là nhờ ảnh hưởng của El Nino đồng thời cũng khiến cho lượng mưa tại khu vực Trung Bộ ít hơn 50% so với trung bình nhiều năm. Những ảnh hưởng này đã tác động không tốt tới hoạt động của các nhà máy thủy điện tại đây khi tình trạng khô hạn kéo dài đã làm giảm mực nước của các hồ chứa. Tổng cục Thủy lợi dự báo, lượng mưa sẽ tiếp tục thiếu hụt 10 - 25% tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và mùa mưa sẽ kết thúc sớm.

Định hướng cơ cấu trong danh mục sản phẩm của GEC đến năm 2022 gồm: Thủy điện chiếm 16%, năng lượng gió 22% và điện mặt trời 62%. Để theo đuổi mục tiêu này, GEC đang chuyển hướng đầu tư vào điện mặt trời, đồng thời chào bán công khai các nhà máy thủy điện quy mô nhỏ.

Không dễ bán nhà máy thủy điện quy mô nhỏ

GEC cho biết, nguồn thu từ bán đấu giá nhà máy thủy điện khoảng 200 tỷ đồng sẽ phục vụ cho việc đầu tư các dự án điện mặt trời sắp tới của Công ty với tổng công suất dự kiến hơn 700 MWp.
Để có tiền đầu tư vào điện mặt trời, GEC thực hiện bán đấu giá nhà máy thủy điện. Đó là: Nhà máy Ia Đrăng 1 (0,6 MW), Ia Đrăng 2 (1,2 MW), Ia Đrăng 3 (1,6 MW) và Ia Meur 3 (1,8 MW) và chuyển nhượng 588.000 cổ phần (tương ứng 65,33% số lượng cổ phần đang lưu hành) của Công ty CP Thuỷ điện Kênh Bắc - Ayun Hạ, đơn vị quản lý Nhà máy Thủy điện Kênh Bắc - Ayun Hạ (1 MW) tại Gia Lai.

GEC cho biết, nguồn thu từ bán đấu giá khoảng 200 tỷ đồng sẽ phục vụ cho việc đầu tư các dự án điện mặt trời sắp tới của Công ty với tổng công suất dự kiến hơn 700 MWp.

GEC đã xúc tiến việc bán đấu giá và chuyển nhượng công khai 4 nhà máy thủy điện quy mô nhỏ và cổ phần tại Thuỷ điện Kênh Bắc - Ayun Hạ với tổng giá khởi điểm tại phiên đấu giá ngày 1/8/2019 là 204,592 tỷ đồng. Trong đó, lô 4 nhà máy thủy điện có giá khởi điểm là 184,6 tỷ đồng; 588.000 cổ phần tại Thuỷ điện Kênh Bắc - Ayun Hạ có giá khởi điểm là 19,992 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tới hết thời hạn nộp hồ sơ và tiền đặt cọc, không có nhà đầu tư nào quan tâm, nộp hồ sơ tham dự. GEC đã phải hủy phiên đấu giá này với lý do không đủ điều kiện tổ chức.

Ngay sau đó không lâu, GEC tiếp tục thông báo bán đấu giá, chuyển nhượng lô tài sản trên, giữ nguyên tổng giá khởi điểm. Tuy nhiên, phiên đấu giá, chuyển nhượng diễn ra ngày 20/8/2019 cũng không mang lại kết quả. Tại phiên đấu giá diễn ra ngày 5/9/2019, GEC giảm nhẹ giá khởi điểm của lô tài sản còn 199,039 tỷ đồng nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào quan tâm.

GEC đang thông báo bán đấu giá và chuyển nhượng lần 4 đối với lô tài sản trên với tổng giá khởi điểm còn 193,016 tỷ đồng.

Chưa biết GEC có bán đấu giá thành công các nhà máy thủy điện quy mô nhỏ của mình hay không, nhưng theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều bên có tài sản là nhà máy thủy điện thường phải tổ chức bán đấu giá nhiều lần.

Đơn cử, từ tháng 10/2018 và những tháng đầu năm 2019, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1) đã nhiều lần tổ chức bán đấu giá Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5 tại Quảng Nam với giá khởi điểm là gần 1.700 tỷ đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Kon Tum cũng đã rao bán Nhà máy Thủy điện Đăk Mek 3 từ cuối năm 2017. Tính đến tháng 4/2019, tài sản này đã phải trải qua hơn 10 lần thông báo bán đấu giá.

Dù trải qua nhiều lần bán đấu giá như vậy, nhưng hiện Agribank và PECC1 vẫn chưa có thông báo chính thức kết quả bán đấu giá các nhà máy thủy điện này.

Trước sức hấp dẫn của điện mặt trời và tình trạng khô hạn kéo dài, việc đấu giá các nhà máy thủy điện quy mô nhỏ của GEC thực sự gặp khó khăn.

Chuyên đề