Tại Việt Nam, số người sử dụng dịch vụ tài chính từ điện thoại di động chưa nhiều. Ảnh: Nhã Chi |
Tuy nhiên, việc thực thi nội dung ưu tiên này tại Việt Nam vẫn rất chậm chạp bởi những trở ngại về cả thị trường và pháp lý.
Người dùng chưa tin tưởng
Các cuộc khảo sát thị trường cho thấy, số người Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh ở cả nông thôn và thành thị chiếm 68 - 84% trong số khoảng 90% người dân trưởng thành sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, số người sử dụng dịch vụ tài chính từ điện thoại di động là không nhiều và 90% giao dịch thanh toán trên thị trường vẫn bằng tiền mặt. Điều này cho thấy thị trường công nghệ tài chính đang tồn tại một khoảng trống lớn. Dù các công ty công nghệ tài chính (fintech) và các ngân hàng đã và đang nỗ lực tiếp cận để lấp khoảng trống này nhưng thách thức lớn nhất được nhận diện chính là niềm tin của người dùng.
Theo ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đa số khách hàng chưa tin tưởng về dịch vụ và đặc biệt là tính bảo mật của công nghệ với các ứng dụng dịch vụ tài chính trên điện thoại di động. Đây chính là rào cản khiến các dịch vụ công nghệ tài chính khó tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Đồng tình với quan điểm này, ông Gaurav Sharma, CEO Công ty Bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife cho rằng, dù số người dùng Internet và điện thoại thông minh tăng nhanh nhưng phần lớn người dân Việt Nam chưa dùng dịch vụ ngân hàng qua điện thoại thông minh và Internet. Số lượng khách hàng này không dễ tiếp cận bởi họ chưa tin tưởng vào sản phẩm được cung ứng. “Người dân vẫn còn dùng tiền mặt bởi họ có cảm giác chắc ăn, tin cậy. Khi các sản phẩm công nghệ tài chính đủ độ tin cậy và thuận tiện thì chắc chắn sẽ có nhiều người dùng”, ông Gaurav nói.
Từ góc độ đơn vị cung ứng dịch vụ fintech, bà Lục Kim Thanh, Trưởng phòng Các tổ chức tài chính thuộc Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến (MoMo) khẳng định, điểm khó nhất với các dịch vụ tài chính là tiếp cận người dùng và đây cũng là khó khăn chung của cả ngành tài chính - ngân hàng.
Sự e dè của người dùng không chỉ do thiếu niềm tin mà còn do thủ tục không đơn giản và chi phí sử dụng dịch vụ chưa ưu đãi. Đơn cử, để sử dụng ví điện tử, người dân phải có tài khoản tại ngân hàng. Như vậy, họ phải đến ngân hàng và thực hiện nhiều bước mở tài khoản. Về chi phí, một số dịch vụ tài chính đã áp dụng chương trình ưu đãi để khuyến khích người dùng tham gia, nhưng nhiều người dùng chỉ tiếp cận ở giai đoạn dùng thử này và không đụng đến dịch vụ khi hết hạn ưu đãi.
Bắt đầu từ những điều đơn giản
Việc thay đổi thói quen từ sử dụng giao dịch tài chính truyền thống sang công nghệ tài chính được coi là bước thay đổi lớn và người dùng không dễ chấp nhận nếu vẫn còn nhiều hoài nghi. Theo ông Filip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam, trong trường hợp này, họ chưa hiểu nhiều về công nghệ và một số khái niệm mới.
Như vậy, dù đang tồn tại khoảng trống trên thị trường công nghệ tài chính song chưa hẳn là sức cầu của khoảng trống này đủ lớn để các nhà cung ứng dịch vụ dễ dàng tiếp cận.
Để phát triển thị trường này, ông Filip Graovac cho rằng, cần phải tạo cầu từ những thay đổi về nhận thức, đơn giản như để khách hàng nhìn thấy thông tin giao dịch trên điện thoại thay vì chứng từ giấy. “Những bước đi nhỏ đầu tiên này có thể thay đổi được nhận thức của người dùng và đó cũng là cách “gieo” nhu cầu trên thị trường”, ông Filip nói.
Cùng nhìn nhận vấn đề này, ông Gaurav Sharma lưu ý, khi đã tạo được nhu cầu nhưng khung khổ pháp lý chưa chắc chắn thì cũng khó triển khai và phát triển.
Từ góc độ cơ quan nghiên cứu của Nhà nước, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng, khung khổ pháp lý vẫn chậm bước so với công nghệ tài chính, và thực tế đang có một số trở ngại về cơ chế chính sách cần tháo gỡ để góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.
Điểm đáng chú ý nhất là NHNN sắp hoàn thiện khung pháp lý thử nghiệm cho các sản phẩm fintech để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Viện Chiến lược cũng đang nghiên cứu để đề xuất sửa đổi quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng làm thế nào để người dân không cần mở tài khoản ngân hàng mà vẫn có thể dùng được ví thanh toán.
“Trong lúc chờ đợi khung pháp lý hoàn chỉnh, các công ty fintech và các ngân hàng cần nghiên cứu và đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy thị trường, thuyết phục người dùng và cả cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý và người dùng trong nhiều trường hợp có thể bảo thủ, do đó, việc thay đổi cách nghĩ cần có thời gian. Tại một số thị trường phát triển khác, quá trình fintech thâm nhập và thân thuộc với người dùng cũng không thể nhanh chóng được”, ông Phạm Xuân Hòe nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hòe, cũng cần đặt ra các quy định bắt buộc sử dụng thanh toán phi tiền mặt với một số chủ thể thị trường. Chẳng hạn, quy định rõ các cửa hàng đáp ứng đủ điều kiện công nghệ phải thực hiện thanh toán phi tiền mặt.